Mục tiêu đề án truyền thông vệ sinh cá nhân tới 2025
Đây là cơ hội để ngành y tế đánh giá lại hiệu quả truyền thông nâng cao sức khỏe người dân, đề xuất các chương trình phối hợp truyền thông tập trung, hiệu quả trên trong thời gian dài nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn hướng tới mục tiêu phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe người dân trên phạm vi cả nước.
Theo đó, đến năm 2025, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch sẽ được phổ cập đến100% lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ban ngành, địa phương và đoàn thể; 80% các tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai đề án hoặc kế hoạch lồng ghép vào các chương trình khác; 100% đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đưa nội dung truyền thông vào kế hoạch hoạt động hàng năm, trung hạn và dài hạn.
Đối với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực truyền thông của cán bộ làm công tác truyền thông, tiêu chí của đề án là 100% các tỉnh thành phố thông qua các tổ chức tập huấn về phương pháp và kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ y tế, cán bộ liên quan tại các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền. 70% cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở được cập nhật kiến thức về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn. 100% nhân viên y tế thôn bản và 70% công tác viên truyền thông từ các ban ngành được tập huấn về phương pháp, kỹ năng và tài liệu truyền thông.
Đối với mục tiêu nâng cao nhận thức và thực hành của người nông dân nông thôn, hoạt động của đề án hướng tới chỉ tiêu 80% các địa phương có tổ chức hoạt động hưởng ứng các sự kiện về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn. 100% các địa phương xây dựng và phổ biến các loại tài liệu truyền thông cho các đối tượng. 70% địa phương triển khai các mô hình truyền thông về vệ sinh dựa vào cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Và 100% trạm y tế xã, trường học tổ chức truyền thông và có góc truyền thông với nội dung về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Đề án đã xác định 4 nhóm giải pháp lớn về chính sách, phối hợp liên ngành, chuyên môn kỹ thuật, tài chính –khoa học công nghệ- hợp tác quốc tế - xã hội hóa. Trong đó, có những giải pháp rất quan trọng như vận động, đề xuất đưa các chỉ tiêu về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; xây dựng các mô hình vệ sinh do cộng đồng làm chủ, cộng đồng chấm dứt đi tiêu bừa bãi. Đặc biệt là nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân đã và đang được triển khai tốt tại các địa phương như mô hình vận đồng cộng đồng triển khai phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm định kỳ trong tháng đang triển khai tại các tỉnh Lào Cai, Hải Dương, Hòa Bình, Nam Định, Hưng Yên, Cà Mau, Quảng Ngãi, Cần Thơ; mô hình vệ sinh cá nhân, vê sinh môi trường lồng ghép với triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nam Định; mô hình đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường khu du lịch tại Nghệ An, Cà Mau; mô hình đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tại làng nghề tại Hưng Yên, Hải Dương; mô hình vệ sinh cá nhân phòng chống bệnh viên não Nhật Bản tại Thái Bình…
Thu Trang