Bài 2: Truyền thông hành vi vệ sinh cá nhân - bước đột phá nâng cao nhận thức cộng đồng
Đề án hướng tới mục tiêu tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn với sự đóng góp có trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch để phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe người dân.
Theo đó, đến năm 2025, 80% các tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai hoặc đưa nội dung truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bố trí kinh phí thực hiện; 100% các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đưa nội dung truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn vào kế hoạch hoạt động hàng năm, trung hạn và dài hạn. 100% các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức tập huấn về phương pháp và kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn cho các cán bộ y tế và cán bộ các bộ, ban ngành, đoàn thể có liên quan tại tất cả các cấp; 70% cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở được cập nhật kiến thức về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn; 100% nhân viên y tế thôn bản được tập huấn về phương pháp và kỹ năng truyền thông và được cung cấp tài liệu truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn; 70% cộng tác viên truyền thông từ các ban ngành, đoàn thể được tập huấn về phương pháp truyền thông và được cung cấp tài liệu truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn.
Để nâng cao nhận thức và thực hành của người dân nông thôn về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn, 80% các tỉnh, thành phố hàng năm có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng và phổ biến các loại tài liệu truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn trên các kênh truyền thông cho các đối tượng khác nhau; 70% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình truyền thông về vệ sinh dựa vào cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; 100% trạm y tế xã, trường học tổ chức truyền thông và có góc truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn.
Để đạt được các mục tiêu trên, cơ quan chủ trì triển khai đề án sẽ lựa chọn các chuyên gia có kinh nghiệm để xây dựng các mô hình truyền thông, tài liệu hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện thực hành và các tài liệu phổ biến kỹ năng truyền thông. Đặc biệt xây dựng các tài liệu truyền thông phù hợp bối cảnh văn hoá, phong tục, tập quán, lối sống, vùng miền. Trong đó ưu tiên các nội dung rửa tay với xà phòng để phòng bệnh, tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo quản và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các hộ gia đình, trường học và trạm y tế; vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý rác; sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh tại các hộ gia đình, trường học và trạm y tế. Về hình thức, các thông điệp và tài liệu truyền thông đa dạng, phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ sử dụng, tập trung ưu tiên các tài liệu tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng như: Pa nô, áp phích, tờ rơi, tranh lật, tranh minh họa, các tiểu phẩm, hài kịch, tổ chức hưởng ứng các sự kiện về vệ sinh, ngày hội vệ sinh.
Đồng thời, triển khai Đề án cũng nhằm tăng cường chất lượng thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt tại cơ sở, các vùng miền còn nhiều khó khăn. Mở các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của công tác truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn; chú trọng truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cộng tác viên tuyến cơ sở hoặc cá nhân, tổ chức có uy tín tại cộng đồng.
Tuệ Văn