Mỹ Đức - Hà Nội: Cần xử lý nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất - kinh doanh vật liệu
Cảnh các em học sinh đi học qua đây phải hứng chịu những bụi bẩn, ô nhiễm môi trường từ việc vận chuyển VLXD của hai doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện chức năng tuyên truyền, giám sát và phản biện trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe người dân, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường triển khai chuyên đề: “Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”. Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô nói chung và UBND huyện Mỹ Đức nói riêng trong công cuộc bảo vệ môi trường, đảm bảo cảnh quan đô thị và nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.
Quá trình thực hiện chuyên đề, khảo sát thực tiễn tại huyện Mỹ Đức, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường nhận được phản ánh của người dân thôn Thượng Quất, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội về việc: Trên địa bàn có 2 doanh nghiệp là Công ty Hợp Tiến và Công ty Minh Sáng, thời gian qua đã liên tục vận chuyển vật liệu trong tình trạng quá tải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý khiến người dân vô cùng bức xúc.
Mặc dù đã được cắm biển giới hạn trọng tải cho phép, tuy nhiên các xe 15-20 tấn vẫn lưu thông qua khu vực này.
Có mặt tạị địa chỉ trên, phóng viên (PV) trao đổi với một người dân sống gần đó cho biết: Chúng tôi sống ở đây luôn bị tra tấn bởi khói bụi và tiếng ồn của các loại phương tiện quá khổ, quá tải chở đất, đá, gạch… vào Công ty Hợp Tiến và Công ty Minh Sáng. Người dân chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương, nhưng sự việc không được giải quyết. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, gia đình tôi đã tự tìm các biện pháp che chắn và phun nước để giảm thiểu bụi. Đây là giải pháp tình thế chứ về lâu dài chính quyền không có biện pháp ngăn chặn thì dân chúng tôi không thể sống nổi.
Ông Lê Văn T…người dân xã Hợp Tiến cho biết: Mấy hôm nay tôi thấy họ chở đất ở đâu về phối trộn với nhau xong lại chuyển vào nhà máy gạch. Mỗi lần xe tải chở đất về đây để tập kết, khu vực này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, không những thế, Công ty còn không bố trí người quyét dọn và tưới nước. Tôi mong các vị lãnh đạo hãy xuống đây một lần để thấy các cháu học sinh hàng ngày phải lặn lội đi học qua khu vực này nguy hiểm và mất an toàn như thế nào bởi bụi bẩn của các xe tải lưu thông.
Bãi VLXD của Công ty Minh Sáng hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường.
Theo thông tin mà PV ghi nhận vào ngày 20/4, tại cổng Công ty Hợp Tiến, có rất nhiều xe tải hạng nặng ra vào bốc hàng và vận chuyển vật liệu. Cách đó khoảng 100m là bãi kinh doanh vật liệu của Công ty Minh Sáng cũng đang vận chuyển đất từ các nơi đổ về để phối trộn với nhau. Tận mắt chứng kiến cảnh các cháu học sinh đi lại qua đây phải hứng chịu những bụi bẩn ô nhiễm môi trường từ các đoàn xe mang số hiệu: 29C-818.86, 90C-081.89, 90C-077.27… chở đất, đá vào đây để tập kết thấy rõ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặt khác, được biết tuyến đường này lực lượng chức năng đã cắm biển giới hạn trọng tải cho phép khoảng 8 tấn, nhưng hầu hết các xe chở vật liệu lưu thông vào hai doanh nghiệp trên đều trong tình trạng chở vượt tải lên 15-20 tấn. Tuy nhiên điều mà người dân bức xúc là chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn và xử lý.
Liên quan đến sự việc trên, PV liên hệ với UBND xã Hợp Tiến để làm việc, tiếp PV là ông Nguyễn Đình Chất - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Hôm trước tôi có việc đi qua khu vực này, tôi cũng thừa nhận là rất bụi và mất vệ sinh vì mấy hôm nay bãi VLXD của ông Lê Văn Đại đang vận chuyển đất. Bãi này được ông Đại thuê đất công của xã để kinh doanh vật liệu còn Công ty Hợp Tiến thì họ hoạt động nhiều năm nay rồi, tôi thấy họ cũng cho người vệ sinh nhưng chắc không triệt để. Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ pháp lý của hai đơn vị này, ông Chất cho biết sẽ hỏi Chủ tịch vì ông là phó không nắm được hồ sơ.
Người dân cho biết hàng ngày phải tự phun nước để giảm thiểu ô nhiễm.
Để làm rõ thông tin, PV tiếp tục liên hệ với ông Trần Văn Phiu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Tiến để đến làm việc. Qua điện thoại ông Phiu cho biết, xã không nắm được hồ sơ hai Công ty đang hoạt động trên địa bàn và theo ông nghĩ thì họ đủ điều kiện thì mới hoạt động, nếu PV cần biết thông tin thì nên xuống doanh nghiệp.
Việc trả lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho thấy sự né tránh trách nhiệm quản lý Nhà nước của địa phương. Việc Ủy ban Nhân dân xã Hợp Tiến không lưu giữ hồ sơ của doanh nghiệp thì lấy căn cứ, cơ sở nào để kiểm tra, giám sát hoạt động của 2 doanh nghiệp trên địa bàn. Phải chăng đây là sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã Hợp Tiến? Rất cần sự vào cuộc của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của hai doanh nghiệp và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buông lỏng quản lý để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bản, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Thúy - Hùng
Theo Điều 53. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: 1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây: a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trang hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; b) Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 của Luật này; c) Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật này; d) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt; đ) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; e) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 112 của Luật này phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận; g) Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định của Luật này |