Nhiều bệnh viện lớn xả thải vượt chuẩn ra môi trường
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 1 và số cơ sở y tế tồn tại nhiều vi phạm quy định môi trường.
Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP. Hồ Chí Minh báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020, 2021 không đúng theo mẫu; không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từ ngày 13/4/2021 – 05/882022. Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 - 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) - 400 m3/ngày (24 giờ). Với vi phạm này, Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và Chánh thanh tra Bộ TN&MT đã ban hành quyết định xử phạt bệnh viện về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật với số tiền 332,9 triệu đồng.
Với các vi phạm trên, Bộ TN&MT kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh giám sát chặt chẽ hoạt động của Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh viện có trách nhiệm cải tạo, khắc phục hệ thống xử lý nước thải và gửi báo cáo về Sở TN&MT trước ngày 30/8/2024.
Bệnh viện Chợ Rẫy |
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phát hiện việc xả nước thải có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải năm 2021...
Theo đó, Chánh thanh tra Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện đúng các nội dung trong giấy phép môi trường thành phần đã được cấp; thu gom và xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi xả ra ngoài môi trường; thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, chương trình giám sát môi trường định kỳ và vận hành đúng quy trình các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.
Bệnh viện Từ Dũ |
Đối với Bệnh viện Từ Dũ, hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 1.500 m3/ngày đêm, nhưng cũng không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từ 21/9/2019 đến 20/1/2020. Đồng thời, bệnh viện không có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết để đề xuất thay đổi thông số quan trắc định kỳ về nước thải cho phù hợp với thực tế hoạt động.
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động dịch vụ quan trắc đối với đơn vị thực hiện lấy và phân tích mẫu nước thải định kỳ cho Bệnh viện Chợ Rẫy là Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn môi trường REC, đồng thời, yêu cầu bệnh viện thực hiện đúng các nội dung trong giấy phép môi trường thành phần đã được cấp.
Thanh tra Bộ yêu cầu Bệnh viện Từ Dũ có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền đề xuất thay đổi thông số quan trắc định kỳ về nước thải cho phù hợp với thực tế hoạt động. Bệnh viện phải thực hiện đúng các nội dung đã cam kết trong Đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được cấp.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. |
Một bệnh viện lớn khác ở khu vực phía Nam cũng được phát hiện có vi phạm quy định về môi trường là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Theo kết luận thanh tra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện không đúng một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường như: Hệ thống thu gom, thoát nước mưa và nước thải không được tách biệt; nước thải sau hố thu gom và tách rác chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa bên cạnh bể điều hòa; nước từ bể thu nước mưa đang chảy liên thông qua bể chứa nước thải sau khử trùng, tất cả từ đó theo đường cống thu gom nước thải sau xử lý thoát ra điểm đấu nối ngầm với tuyến thu gom nước thải công cộng.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng không lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân loại; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải; không thực hiện trám lấp giếng không sử dụng đối với trường hợp phải cấp giấy phép khai thác nước dưới đất theo quy định.
Với những vi phạm trên, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và Chánh thanh tra Bộ TN&MT ra quyết định xử phạt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương với tổng số tiền là 370 triệu đồng.