Nhiều địa phương tích cực triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT nêu rõ: Thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-CTRSH ngày 3/11/2023 về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Theo đó, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác để các địa phương triển khai thực hiện phân loại CTRSH chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Nhằm hỗ trợ công tác phân loại CTRSH được triển khai rộng rãi trên cả nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng thông tin, tài liệu phục vụ công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về phân loại CTRSH bao gồm: Bộ nhận diện CTRSH phục vụ cho công tác phân loại CTRSH; phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH; phóng sự về công tác phân loại CTRSH tại một số địa phương.
Tại Nghệ An, ngày 15/8/2024, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 6913/UBND-CN giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024 về việc phối hợp truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Nhiều địa phương tích cực triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt. |
Tại Kon Tum, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch, lộ trình triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, thành phố. Đây là một trong những yêu cầu của UBND tỉnh Kon Tum tại Công văn số 2894/UBND-NNTN về tiếp tục tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, UBND các huyện, thành phố quy hoạch, bố trí và đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định địa điểm, thời gian, tần suất, tuyến thu gom và lộ trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển để đảm bảo công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Tại Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng; đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và hình thành thói quen trong việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay khi có phát sinh rác thải.
Mục tiêu của Kế hoạch là phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ phân loại CTRSH đạt 50%, đến cuối năm 2025 đạt 70%; trong đó, đối với các huyện đạt chuẩn bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ phân loại CTRSH đạt 70% trở lên; các xã đạt chuẩn BVMT nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ phân loại CTRSH đạt 50% trở lên. Đến năm 2030, tiếp tục duy trì, mở rộng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%; người dân có trách nhiệm cao về BVMT, không còn vứt rác ra nơi công cộng, đường, sông, rạch; xây dựng tỉnh Bến Tre xanh - sạch - đẹp.
UBND tỉnh Bến Tre đề ra các nhiệm vụ trọng tâm về: Phân loại CTRSH; Tổ chức tuyên truyền, vận động; thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sau phân loại; Tăng cường phối hợp, kiểm tra đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó, tập trung tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn nhằm nâng cao ý thức, hình thành thói quen của chủ nguồn thải; vận động thường xuyên, liên tục bằng hình thức phù hợp để người dân, hộ gia đình và các tổ chức thực hiện tốt phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định.