Những chất cấm nhưng thường gặp trong thực phẩm và chăn nuôi
Chất phụ gia bảo quản thực phẩm
Kỳ 2: Những chất cấm nhưng thường gặp trong thực phẩm và chăn nuôi
Tuy vậy, mức sử phạt này còn quá nhẹ đồng thời việc kiểm soát còn quá nhiều kẽ hở dẫn đến những chất cấm vẫn trôi nổi trên thị trường Việt Nam.
1. Chất tạo nạc ( Salbutamol )
Salbutamol, chất tạo nạc cho lợn thuộc nhóm chất độc hại nằm trong nhóm chất cấm sử dụng của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng. Trong y tế, salbutamol là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc.
Sử dụng salbutamol liều cao có nhiều tác dụng phụ, thậm chí có thể gây tử vong nếu người dùng bị ngộ độc. Vì vậy việc Sabutamol được phát hiện sử dụng trong hàng trăm nghìn con lợn đã được giết mổ, đem bán thị trường Việt Nam khiến nhiều người lo lắng về khả năng đã ăn phải thịt heo ngậm chất cấm.
2. Chất chống thối ( Formol )
Formol là một hóa chất công nghiệp rất độc nhưng lại rất thông dụng. Formol có tính sát trùng cao nên trong y học sử dụng để diệt vi khuẩn, sát trùng và là dung môi để bảo vệ các mẫu thí nghiệm, các cơ quan trong cơ thể con người, ướp xác.
Kết quả giám sát được tiến hành tại TP HCM bởi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) năm 2014 cho thấy,1/3 mẫu bánh phở ở có chứa formol.
3. Chất làm tăng độ đạm ( Melamine )
Melamine là một trong những hóa chất được khuyến cáo cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thực phẩm.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà một số công ty kinh doanh thực phẫm đã bất chấp sự khuyến cáo này. Điển hình là vụ công ty sản xuất sữa Tam Lộc của Trung Quốc đã trộn melamine vào trong sữa để làm cho thực phẩm có độ đạm cao hơn. Những sản phẩm sữa nhiễm melamine ước tính gây ảnh hưởng 300.000 người, với 54.000 trẻ phải nhập viện và 6 bé tử vong do tổn thương thận. Ngoài ra một số sản phẩm khác của Trung Quốc như sữa YiLi, bánh biscuit, kẹo và nước ngọt... cũng bị phát hiện chứa chất độc này.
4. Thạch tín ( Asen)
Asen là một chất độc hại, thường có trong các mạch nước ngầm hoặc nước biển ô nhiễm. Vì vậy, hầu hết các loại thực phẩm đều có chứa một lượng asen nhất định.
Ở cấp độ bình thường, mỗi người chúng ta mỗi ngày đều nạp vào cơ thể một lượng asen nhất định, nó không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể. Nhưng nếu dung nạp hàm lượng lớn trong thời gian dài thì có thể dẫn tới nhiều tác động như tăng nguy cơ ung thư, làm hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, gây cao huyết áp, bệnh tim mạch …. Asen đồng thời còn có tác động tới thần kinh, nếu tiếp xúc với asen trong thời gian dài sẽ gây suy giảm chức năng não bộ, từ đó ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu và trí nhớ.
5. Hóa chất làm chín trái cây nhanh ( Ethephon )
Nếu sử dụng Ethephon đúng liều lượng cho quá trình chín trong 3-4 ngày thì không gây độc hại. Đồng thời, chế phẩm này cũng có thể loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa sạch, nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm.
Nguyên nhân chất Ethephon bị hiểu sai là do hóa chất trôi nổi nhập lậu từ Trung Quốc với nhãn mác tự dán cũng ghi chất thúc chín trái cây đồng thời quá trình làm chín quá nhanh chỉ sau một đêm do tăng liều lượng hoặc có thêm những chất nào khác ( chưa được kiểm chứng )
Để có lãi, các chủ cơ sở thu mua cả vườn hoa quả của các hộ dân. Đến kỳ thu hái họ thuê người hái bẻ hết một lượt từ trái già đến trái non rồi nhúng vào thùng hóa chất Ethephon đã hòa sẵn, sau đó hoa quả được xếp vào một nơi và phủ bạt lên trên, sau một đêm đồng loạt các trái cây đều chín nhanh, đồng đều và rất bắt mắt.
6. Chất làm tăng cân nhanh ( Dexamethasone )
Dexamethasone là một loại hormon kích thích có chứa nguyên tố Fluor. Một trong các tác dụng của dexamethasone là làm tăng cân nhanh giả tạo vì chúng có tính giữ nước trong các tế bào của cơ thể. Chính vì lý do này mà một số bếp ăn tập thể vô lương tâm đã trộn thuốc vào thức ăn nhằm tăng cân cho trẻ (một số nơi đã bị báo chí làm rõ).
Mức tác hại của thuốc rất lớn và cần phải được theo dõi trong một thời gian dài. Hậu quả trước mắt của việc dùng kích thích tố này là làm giảm thiểu mức tăng trưởng chiều cao của trẻ em. Tùy theo liều lượng và thời gian sử dụng, dexamethasone sẽ làm mất chất vôi trong xương, làm loãng xương, ngoài ra còn có nhiều phản ứng phụ như trẻ em bị tăng huyết áp, rối loạn tinh thần, giảm sức đề kháng, do đó khả năng bị nhiễm khuẩn rất cao.
7. Chất kích thích tăng trưởng ( dexamethasone và Clenbuterol )
Các loại hóa chất kích thích tăng trưởng hay tăng trọng trong rau quả và gia súc đã được các nhà trồng trọt, chăn nuôi trộn lẫn vào thức ăn cho gia súc hay nước tưới cho cây trồng cũng gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng do bị nhiễm gián tiếp qua thực phẩm chứa các hóa chất độc hại trên.
Đối với gia súc như lợn, gà, vịt, hóa chất kích thích tăng trưởng ngoài dexamethasone, người chăn nuôi thường sử dụng là clenbuterol. Chất sau này ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng rất nặng vì nó là mầm mống của bệnh ung thư.
Clenbuterol được trộn trong thức ăn cho lợn khiến lợn tăng trọng rất nhanh và làm thịt lợn trông rất bắt mắt. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định cấm sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi gia súc.
8. Chất tẩy trắng thực phẩm ( NaHSO3 )
Đây là hóa chất tẩy đường natri hiđrosulfit (NaHSO3) được sử dụng trong ngành dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy…
Để có vẻ ngoài bắt mắt, các loại rau củ tại chợ đầu mối đều được tẩy rửa bùn đất. Đặc biệt, những lô hàng bị héo do không kịp tiêu thụ, được người bán xử lý bằng hoá chất, giúp chúng tươi lại như mới thu hoạch.
9. Chất làm tăng độ dai, giòn thực phẩm ( Hàn the )
Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Đây là một chất sát khuẩn và nấm yếu, được dùng trong y tế để làm săn, dùng ngoài để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Có một thời hàn the được dùng bào chế bột trị đau dạ dày và thuốc ho. Không biết từ bao giờ, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác.
Hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó. Hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính.
- Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy.
- Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể.
10. Phân đạm ( Urê )
Urê là loại phân hóa học dùng trong nông nghiệp, ngoài giúp cây tăng trưởng còn có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Do giá thành không cao nên người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã dùng đạm Urê nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu và không bị ươn.
Sau khi ướp Urê cá sẽ có màu tươi rất ngon. Tuy nhiên ăn phải hải sản có các chất này sẽ có nguy cơ dẫn đến ngộ độc cấp tính như: buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy...nếu nặng hơn sẽ dẫn đến tử vong.
11. Chất làm mềm thực phẩm ( Sodium bicarbonate )
Nhiều trường hợp thịt bò mềm một cách bất thường không loại trừ khả năng người bán dùng chất làm mềm sodium bicarbonate (còn có tên gọi khác là baking soda, sodium hydrogen carbonate, bicarbonate of soda…). Đây là hóa chất thông dụng trong công nghiệp và dùng trong lĩnh vực y tế, thực phẩm. Trong thực phẩm, chất bicarbonate of soda dùng để làm mềm thịt, nhưng nếu sử dụng quá liều lượng thì gây nhiều tác hại.
Nếu vì lợi nhuận, người bán dùng xút soda dùng trong công nghiệp thì sẽ rất nguy hiểm vì đây là hóa chất dùng để sản xuất xà phòng, rất độc hại. Loại dùng trong thực phẩm đòi hỏi phải tinh khiết, nếu không đạt độ tinh khiết mà có lẫn kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân thì người ăn vào sẽ có nguy cơ bị ung thư. Ngay cả hương liệu, phẩm màu, gia vị… nếu dùng không đúng loại cho phép dùng trong thực phẩm hoặc quá liều lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.
Hữu Tú