Những dấu hiệu nhận biết bệnh sởi sớm nhất
(Suckhoemoiturong.com.vn) - Trong nỗi lo lắng bị đẩy lên cực đỉnh về dịch sởi, không ít phụ huynh con bị sốt phát ban lại nghĩ trẻ bị sởi và ngược lại. Vậy làm sao nhận biết bệnh sởi sớm nhất?
Theo BS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi của BV Bạch Mai, sốt phát ban và sởi có một số triệu chứng giống nhau nhưng để phân biệt không khó. Phụ huynh cần nhận dạng các triệu chứng sởi ngay từ những ngày đầu để có cách chăm sóc đúng cách, tránh những nguy cơ bị biến chứng đáng tiếc.
Cần phân biệt bệnh sởi với ban dị ứng:
Theo BS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi của BV Bạch Mai, nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường (70 – 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính. Còn sởi do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính.
Phát ban thông thường là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
Còn sởi thì ban xuất hiện ở sau tai trước, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.
Sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
Những dấu hiệu cụ thể khi bị nhiễm sởi:
- Sốt 38-39 độ C và sốt liên tục.
- Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy.
- Có những chấm nhỏ khoảng 1 mi-li-mét nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.
- Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da.
- Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.
Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi
Các biến chứng của sởi thường rất nặng và dễ gây tử vong: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng (do quá kiêng khem), loét giác mạc do thiếu duy sinh tố (vitamin) A. Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.
Khi chưa có biến chứng, không nên cho trẻ dùng kháng sinh
Việc điều trị chủ yếu là khắc phục trị triệu chứng như uống thuốc hạ sốt, vệ sinh toàn thân, răng miệng, mắt [nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, lục vi tố (chloramphenicol) 0,1%]. Trẻ phải được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước.
Khi có biến chứng, có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của thầy thuốc, bổ sung duy sinh tố A để tránh khô giác mạc. Không dùng kích tố thận thượng tuyến bì chất (corticoid).
Theo Gia đình Xã hội