Những mặt trái của nông phẩm "bio công nghiệp, giá rẻ"
Để thu hút lại khách hàng, các nhà sản xuất công nghiệp và các chuỗi siêu thị đã tung ra một chiến lược là tạo ra gam hàng bio riêng với giá phải chăng. Chỉ có điều đó là nông phẩm bio được sản xuất theo kiểu công nghiệp, khác hẳn các sản phẩm sạch kiểu truyền thống được dán nhãn AB trước đây.
Dường như các nhà sản xuất nông phẩm bio kiểu công nghiệp đã thành công. Theo Agence Bio, 49% người tiêu dùng Pháp mua “thực phẩm sạch giá rẻ” tại siêu thị, 34% mua trong các cửa hàng chuyên bán hàng bio và 12% mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất.
Bà Christelle Pangrazzi, phó Tổng Biên tập tạp chí có 60 triệu người tiêu dùng, nhận định ngành sản xuất bio đang có “một bước ngoặt”, với sự hình thành và phát triển “nhanh như vũ bão” của “bio công nghiệp”. Từ “công nghiệp” ở đây được dùng theo nghĩa xấu. Ngành sản xuất bio đã đi “chệch hướng”, trong đó phải kể tới việc trồng rau, cây ăn quả trái mùa, với số lượng lớn, trên diện rộng trong các khu nhà kín lợp bằng nhựa, và được chiếu đèn và sưởi ấm bằng nhiên liệu.
Trong những điều kiện “nhân tạo”, “phi tự nhiên” như vậy, không khó để hình dung chất lượng thực sự của những nông phẩm “bio công nghiệp”, “bio giá rẻ”. Đó là chưa kể tới vấn đề đạo đức xã hội và môi trường.
Nông phẩm sạch (bio)
Khi nói tới nông phẩm sạch được bày bán tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, không thể không nhắc tới Tây Ban Nha, nhất là vùng Almeria, miền nam đất nước, nổi tiếng với tên gọi “vựa rau, hoa quả sạch”, “thiên đường của các vườn rau sạch”của châu Âu. Mỗi năm Almeria xuất khẩu sang các nước láng giềng châu Âu hơn 3 triệu tấn rau, hoa quả trái mùa được trồng trong các khu nhà kín lợp nhựa (80% tổng lượng), mùa đông cũng như mùa hè. Năm 2017, tổng lượng rau, hoa quả bio Almeria xuất khẩu đạt hơn 5.200 triệu euro.
Những khu nhà lợp bằng nhựa trải rộng ngút mắt, với tổng diện tích gần 40.000 ha, tương đương với diện tích của gần 50.000 sân bóng đá, rộng gần 3 lần diện tích thành phố Paris. Các nhà bảo vệ sinh thái Tây Ban Nha ví Almeria với “biển nhựa”. “Biển nhựa” Almeria trắng xóa có thể nhìn thấy rõ từ trên không trung.
Trong phóng sự phát trên đài France 24 ngày 18/10/2019, ông Jan Van Der Blom, phụ trách kỹ thuật sản xuất của Coexphal, Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu ở Almeria, tự hào giải thích về lợi thế của Almeria đối với nông nghiệp và việc trồng rau sạch trong các khu nhà lợp nhựa: “Hiện nay, ngành trồng trọt bio có quy mô rất lớn, tăng mạnh trong 6-7 năm qua, từ 1,4% lên thành 10,3% ngành trồng trọt. Ngành trồng rau sạch hiện vẫn tiếp tục phát triển.
Trong các khu nhà trồng cây này, chúng tôi tiến hành kiểm soát sinh học chống mọi loại sâu bọ có hại cho cây trồng … Chúng tôi có những con bọ ăn mồi, những loài côn trùng, bọ có cánh. Chúng tiêu diệt những loài rệp hại cây. Ở đây chúng tôi có tất cả. Khi trời nóng, nhiệt độ tăng cao, những loài côn trùng có hại phát triển rất nhanh và có thể phá hoại mùa màng trong một thời gian rất ngắn. Nếu các nhà nông không kịp xử lý, họ sẽ mất mùa. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm việc để tìm ra các giải pháp mới chống những thứ mới phá hoại mùa màng, và chúng tôi sẽ phải tìm ra cách tối ưu hóa việc sử dụng nước.
Tuy nhiên, cơ bản mà nói, thì đối với tôi, biển nhựa là nơi mà chúng tôi có thể thực hiện phương thức sản xuất bền vững. Đó là nơi rất nhiều người tới để làm việc, kiếm sống, và là nơi chúng tôi có thể làm ra nhưng nông phẩm rất sạch, với hương vị tuyệt vời và chất lượng tuyệt hảo”.
Nhờ “biển nhựa” Almeria, người tiêu dùng châu Âu có rau và trái cây bio như cà chua, ớt chuông, dưa chuột, bí, cà tím, dâu tây … ăn quanh năm suốt tháng. Nhưng chính những khu nhà kín lợp nhựa để trồng cây tạo ra mặt trái của ngành nông nghiệp sạch vùng Almeria. Đứng tại một khu đất mà nhựa vương vãi khắp mặt đất, cuốn theo gió, tản ra mọi nơi, anh Marcos Diegues - thuộc một tổ chức bảo vệ môi trường sinh thái - giải thích với phóng viên đài France 24: Quý vị đang chứng kiến một thảm họa môi trường. Chúng ta đang ở gần một dòng nước. Sau những trận lũ lụt vừa qua, tất cả nhựa bị đổ xuống lòng sông đã bị nước cuốn ra khu vực xung quanh, như chúng ta đang nhìn thấy ở đây. Thật là kinh khủng, cảnh này làm cho chúng tôi suy sụp tinh thần, khiến chúng tôi chỉ muốn từ bỏ tất cả, để đến một hòn đảo hoang nào đó.
Những tấm nhựa này chủ yếu là từ các khu nhà kín trồng cây. Nhựa dùng để làm nhà trồng cây có thể duy trì kéo dài 3 năm. Sau thời gian đó, nhựa bắt đầu phân hủy. Các nhà trồng trọt phải dỡ chúng khỏi khu nhà và thay bằng những tấm nhựa mới. Không ai dọn dẹp, thu gom những tấm nhựa này. Không ai hết!
Chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp sạch là rất tốt, nhưng chưa đủ để giải quyết vấn đề. Người tiêu dùng cần được biết về những điều này và đòi hỏi các nhà trồng trọt phải có trách nhiệm đối với môi trường. Tôi nghĩ không được bỏ cuộc. Chúng ta có thể làm mọi chuyện tốt hơn”.
Mỗi năm, vựa rau sạch Almeria thải ra tới 3 triệu tấn nhựa. Nông nghiệp sạch vùng Almeria cũng làm cạn kiệt nguồn nước. Almeria vốn có khí hậu khô, lượng nước mưa chỉ đạt 200 - 300mm/năm. Để có nước tưới cây, các nhà vườn phải đào giếng thật sâu, có khi tới 700m. Sau nhiều năm khai thác triệt để, các tầng nước ngầm đã cạn kiệt. Nước ngọt ở vùng ven biển bị nhiễm mặn và không thể dùng cho nông nghiệp, buộc các nhà sản xuất rau sạch phải cần đến hệ thống khử mặn nước ngầm, thậm chí phải nhập khẩu nước phục vụ trồng trọt.
Do trồng cây quanh năm suốt tháng, các nhà nông phải sử dụng các biện pháp nhân tạo để duy trì ánh sáng, nhiệt độ phù hợp, nhất là vào mùa đông. Theo các chuyên gia, trồng rau sạch trong các nhà kín được sưởi ấm bằng khí ga hay dầu còn gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng hơn so với hoạt động trồng trọt kiểu thông thường. Ô nhiễm ánh sáng từ các khu nhà trồng cây cũng là điều không mấy người tiêu dùng nông sản bio được biết tới.
Để có giá thành rẻ, các nhà trồng trọt bio công nghiệp không ngần ngại sử dụng lao động nhập cư với giá rẻ mạt, nhất là tại Tây Ban Nha. “Biển nhựa”Almeria thu hút tới 80.000 nhân công nước ngoài. Báo Le Point hồi tháng 07/2019 cho biết trong số đó có khoảng 40.000 người nhập cư bất hợp pháp hoặc làm việc không khai báo. Người lao động bị đối xử như “nô lệ”không có phương tiện bảo hộ lao động, làm việc dưới cái nắng nóng, tiếp xúc thường xuyên với phân bón, thuốc trừ sâu độc hại, và phải sống ở những khu “ổ chuột”… Tất cả những điều này trái với triết lý đạo đức ban đầu của ngành sản xuất bio.
“Ở Tây Ban Nha, người ta trồng rau sạch trong các khu nhà kín. Họ sử dụng lao động nhập lậu đến từ Bali, Nigéria, Maroc. Họ không được trả công cao. Ở miền nam nước Ý cũng tương tự. Nhân công làm việc ở các trang trại trồng cà chua chủ yếu đến từ Irak, Syria. Đối với tôi, đó không phải là nông nghiệp sạch. Điểm tích cực đầu tiên của nông nghiệp sạch, chúng ta không bao giờ được phép quên, đó là yếu tố cột trụ về triết lý đạo đức, xã hội, có nghĩa là người nông dân phải được trả công xứng đáng, họ phải được làm việc trong điều kiện phù hợp, để có thể chăm chút tốt cho cây trồng, vật nuôi”.
Theo nhà báo Frédéric Denhez, ngành công nghiệp thực phẩm bio giống “như một chiếc hộp đen” ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Vì mất lòng tin, người tiêu dùng tìm đến “nông phẩm sạch bio”. Tuy nhiên, “nông phẩm bio công nghiệp, giá rẻ” cũng đang mang trong mình nhiều điều bí mật mà có lẽ nhiều người tiêu dùng cũng không ngờ tới …
Linh Đức