Những món canh thanh mát giải nhiệt mùa hè
Canh mướp đắng nhồi thịt
Canh mướp đắng nhồi thịt món ăn quen thuộc của nhiều gia đình trong mùa hè.
Mướp đắng có hàm lượng vitamin C cao hàng đầu trong các loại rau, có tác dụng phòng bệnh xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, tăng sức đề kháng… Ngoài ra, mướp đắng còn có tính hàn, công dụng giải nhiệt, sáng mắt, giải độc. Vì vậy, canh mướp đắng có thể nói là món ăn lý tưởng cho gia đình bạn trong mùa hè.
Nguyên liệu:
– Mướp đắng: 300gr (chọn quả ngắn, nở gai to)
– Thịt nạc dăm: 100gr
– Nước xương
– Mộc nhĩ, nấm hương vừa đủ
– 5 tép hành lá, ngò, tiêu, muối, bột ngọt
– 5 củ hành tím, ớt, nước mắm
Thực hiện:
– Mướp đắng cắt thành từng khúc nhỏ, vừa ăn, móc hột bỏ ra rửa sạch để ráo.
– Thịt: Rửa sạch, bằm hoặc xay nhuyễn ướp chút tiêu + muối + bột ngọt + hành lá lấy phần trắng.
– Củ hành: Bóc vỏ bằm nhuyễn. Ớt: Bỏ hột thái xéo mỏng.
– Mộc nhĩ, nấm hương ngâm mềm, rửa sạch thái nhỏ.
– Trộn chung thịt với mộc nhĩ, nấm hương thái nhỏ, 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, hành lá. Nêm lại vừa ăn, dồn nhân vào từng khúc mướp đắng đã làm sạch trước đó.
– Nấu sôi nước xương rồi cho mướp đắng vào hầm, lửa riu riu. Khi tất cả chín nêm lại vừa ăn (tiêu + muối + bột ngọt + nước mắm), thêm tiêu và ngò nữa là có một nồi canh ngon, mát.
Canh cua rau đay, rau mồng tơi, rau muống
Bữa cơm ngày hè thêm bát canh cua giúp ta ăn com ngon hơn.
Theo Đông y, rau đay có vị cay, tính lạnh, không độc, công dụng giải nhiệt, nhuận tràng, tiêu đàm, cảm nắng,...
Cua đồng là món ăn bổ dưỡng có công dụng giải nhiệt, kích thích ăn uống, dễ tiêu hóa
Rau mồng tơi: có vị ngọt, nhạt, nhớt, tính mát. Có tác dụng lưu thông huyết mạch, lợi tiểu, nhuận trường. Công hiệu giúp mát máu, điều hòa khí huyết, thanh lọc dạ dày và ruột, trị táo bón, chống tích tụ, trị đau mắt, sưng đau vú, huyết vận và huyết tụ.
Rau muống: Theo Đông y, có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm), đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị nhiễm các chất độc của nấm, cá, thịt độc, lá ngón, khuẩn độc hoặc độc chất do côn trùng, rắn, rết cắn…
Rau muống còn có tác dụng cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước, ù tai chóng mặt, đau đầu do tăng huyết áp, đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng, say hay ngộ độc sắn, giải độc do ngộ độc thức ăn, các chứng chảy máu, lở ngứa, rôm sảy, ong đốt…
Nguyên liệu:
Mua 3 - 5 lạng cua đồng, rửa sạch, xé bỏ mai yếm, giã nhuyễn lọc lấy nước (khoảng 2 - 3 lít); ngoáy lấy gạch cua để riêng ra một bát con. Rau đay, (rau mồng tơi, hay rau muống) rửa sạch thái nhỏ. Mướp một quả gọt vỏ, bổ dọc, thái miếng chéo. Rau rút một bó nhỏ, rửa sạch ngắt đoạn ngắn 2-3cm. Mắm tôm 1 thìa canh, một chút muối và dầu ăn.
Cách nấu:
Tra mắm tôm, một chút muối vào nước lọc cua rồi cho lên bếp đun sôi nước canh, bỏ rau và mướp vào tiếp tục đun sôi chừng 5- 7 phút. Cho rau rút vào, sôi đều là bắc nồi canh ra. Dùng dầu ăn xào chín gạch cua đổ vào nồi canh. Nêm thêm nước mắm hoặc muối cho vừa ăn.
Canh đậu phụ non bông hẹ
Món ngon giải nhiệt mùa hè.
Nguyên liệu:
- 150g bông hẹ
- 1 bìa đậu phụ non
- 100g thịt nạc vai
- 1 củ hành khô, bột nêm, nước mắm, dầu ăn
Thực hiện:
Bước 1: Bông hẹ cắt xíu đoạn gốc già, rửa sạch, xắt khúc cỡ 3-3,5cm.
Bước 2: Đậu hũ non rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Thịt nạc vai rửa sạch xay hoặc bằm nhỏ. Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ.
Bước 3: Bắc nồi lên bếp, cho 1/2 thìa dầu ăn, cho hành củ vào phi thơm. Hành thơm cho thịt vào nồi cùng chút gia vị xào chín.
Bước 4: Sau đó cho nước vào nồi cùng thìa bột nêm đun sôi. Khi nước sôi cho đậu hũ vào đun khoảng 1 phút rồi cho bông hẹ đã xắt khúc vào đun sôi trở lại. Khi nước sôi, tắt bếp và thêm một xíu nước mắm cho thơm, nêm nếm vừa ăn, múc canh ra bát là được.
Canh hến nấu bầu
Theo Đông y, thịt hến vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Món canh này, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát.
Nguyên liệu:
Hến sông 1 - 2 kg, bầu sao hay bầu trắng 1 quả non, mỡ, mắm, muối, hành, thì là và gia vị vừa đủ.
Cách nấu:
Hến rửa sạch luộc lấy nước, đãi lấy thịt để riêng.
Đun nước luộc hến đến sôi, thả bầu đã băm hoặc thái chỉ vào đến khi miếng bầu trong, hết đục (hơi sủi tăm) cho hành và thì là thái khúc vào.
Đun sôi mỡ, thả hành thái vào, đến khi có mùi thơm (phi hành) thì cho thịt hến vào, cho mắm muối gia vị vừa đủ, đảo đều đến khi thịt hến săn lại. Hến xào để riêng hoặc cho vào canh trên.
Canh sấu
Quả sấu là là một thức quà không thể thiếu mỗi độ hè về.
Với người Hà Nội, sấu là một thức quà không thể thiếu mỗi độ hè về. Trong tâm thức của những người yêu Hà Nội, bữa cơm gia đình với bát canh sấu nấu chua là hương vị không thể quên, cho dù đi đến bất cứ nơi đâu.
Mùa hè cũng là mùa sấu xanh ngợp trời Thủ đô, người Hà Nội có rất nhiều biến tấu với trái sấu để nấu ra những bát canh giải nhiệt hấp dẫn. Đơn giản nhất, là món nước canh rau muống dầm sấu xanh. Vị thanh mát của nước luộc rau hòa với vị chua đặc trưng của sấu như xua tan cơn nóng đổ lửa ngoài trời
Cầu kỳ hơn, các bà nội trợ thường thả thêm vài quả sấu xanh nấu với đầu cá, mua thêm mấy cọng rau thơm ăn kèm. Bát canh chua ngày thường đã hấp dẫn, đến mùa hè lại càng trở nên lôi cuốn.
Canh ngao nấu dứa
Canh ngao nấu dứa thanh mát ngày hè.
Nguyên liệu:
- 1kg ngao
- 1 quả dứa, 2 quả cà chua
- Rau răm, hành, thì là, 2 quả sấu, 1 nhánh gừng, 1 củ hành khô
- Nước mắm, bột canh, mỳ chính.
Thực hiện:
- Cà chua rửa sạch, 1 quả bổ múi cau, 1 quả thái hạt lựu. Hành khô thái nhỏ, gừng đập dập. Răm, hành, thì là rửa sạch, thái nhỏ.
- Ngao rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước rồi thêm vài hạt muối vào luộc. Khi ngao mở miệng thì bạn tắt bếp, vớt ra tách lấy phần thịt, ướp cùng mắm, mỳ chính, bột canh, 1/3 chỗ hành khô cho ngấm gia vị. Nước luộc ngao đổ ra bát cho lắng cặn.
- Làm nóng ít dầu ăn trong nồi, cho phần hành khô còn lại vào phi thơm. Đổ cà chua vào xào cùng. Khi cà chua chín nhừ bạn cho ngao vào. Đảo đều 2-3 phút thì múc hết ngao và cà chua ra bát.
- Đổ bát nước luộc ngao vào nồi, chú ý gạn bỏ phần cặn lắng bên dưới. Thả 2 quả sấu, dứa thái miếng nhỏ và gừng vào đun khoảng 10 phút.
Sau đó cho ngao và cà chua bổ múi cau vào đun thêm 5 phút nữa, nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho hành, răm, thì là vào rồi tắt bếp.
Minh Vy