Những tác dụng và lưu ý khi ăn vải thiều
Vải thiều là loại trái cây mùa hè phổ biến giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngừa ung thư, cải thiện tiêu hóa.
Vải thiều có vị ngọt thanh và cô cùng thơm ngon.
Theo nghiên cứu, vải thiều có hàm lượng đường cao; giàu acid hữu cơ; các muối khoáng Ca, Fe, P; các vitamin B1, B2... Vì vậy, loại quả này còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, vải thiều có tính nóng nên nếu không ăn đúng cách sẽ không tốt cho thể. Do đó, bạn nên lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tác dụng của quả vải
Vải thiều chứa nhiều vitamin C
Tăng cường hệ miễn dịch
Quả vải có chứa nhiều vitamin C, hợp chất chống oxy hóa mạnh, giúp cải thiện chức năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh thông thường như ho, cảm lạnh, cúm... Trong 100 gram vải có chứa 71,5 mg vitamin C. Trẻ nhỏ cũng được khuyến khích ăn vải để phòng tránh và điều trị căn bệnh suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu vitamin C.
Ngăn ngừa ung thư
Hợp chất flavonoid trong quả vải có tác dụng phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Bên cạnh đó, vitamin C giúp trung hòa các gốc tự do, ngăn ngừa quá trình chuyển hóa các tế bào bình thường thành tế bào ung thư.
Giảm viêm
Các gốc tự do cũng gây ra lão hóa sớm và làm chậm việc sửa chữa tế bào. Do vậy, ăn vải thường xuyên giúp kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa như viêm khớp.
Cải thiện lưu thông máu
Những khoáng chất cần thiết cho cơ thể như đồng, hemoglobin, folate và magiê được tìm thấy với số lượng đáng kể trong quả vải. Chúng góp vai trò quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu, thúc đẩy lưu thông máu và tăng khả năng oxy hóa của các cơ quan và tế bào trong cơ thể.
Tăng cường trao đổi chất
Theo Wiki Fitness, với hàm lượng chất xơ và vitamin B cao, quả vải có khả năng tăng cường sự trao đổi chất, giúp cơ thể làm sạch hệ thống các cơ quan, tế bào bằng cách loại bỏ các chất dinh dưỡng dư thừa như đường, chất béo và protein.
Kiểm soát huyết áp, bảo vệ tim mạch
Kali trong vải giúp kiểm soát huyết áp, nhịp tim, nhờ đó ngăn ngừa đột quỵ và các bệnh về tim mạch. Đây cũng là dưỡng chất hỗ trợ làm giảm co thắt mạch máu và động mạch, điều tiết các chức năng của cơ bắp.
Một số lưu ý khi ăn vải thiều
Do vải có thể tăng cường khả năng miễn dịch, do đó có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, lupus, viêm khớp dạng thấp. Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải những căn bệnh này, hãy thận trọng khi ăn vải, tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi ăn.
Không nên ăn vải quá nhiều hay khi đói khiến bạn bị nổi mẩn hoặc có dấu hiệu say vải.
Không ăn quá nhiều
Do vải ngọt, dễ ăn nên nên nhiều người thường ăn thả phanh, không biết điểm dừng. Điều này khá nguy hiểm, nhất là với phụ nữ mang thai, trẻ em. Bởi trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ta ăn nhiều vải tươi một lúc có thể khiến lượng đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza tăng đột biệt, cơ thể sẽ phản ứng, tiết insulline tăng lên để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp còn gọi là triệu chứng "say vải".
Ngoài ra, vải có tính nóng nên phụ nữ mang thai ăn vải quá nhiều sẽ dễ bị nổi mẩn ngứa, rôm sảy, nóng trong, đầy hơi…
Không nên ăn khi đói
Cũng vì vải chứa nhiều đường nên ăn khi đói có thể gây viêm nhiệt hoặc say với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn. Vì thế, hãy ăn vải sau bữa cơm, lúc này trong cơ thể đã tích trữ đủ lượng nước muối qua thức ăn nên ăn cũng không lo bị nóng.
Gây dị ứng
Vải có thể gây phản ứng dị ứng như suy hô hấp, phù nề da, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt...
Gây nóng trong người
Ăn quá nhiều vải có khả năng gây nóng trong, làm mất sự cân bằng của cơ thể, gây nhiệt miệng, mụn nhọt, chảy máu mũi, đau họng...
Tiểu đường
Nhiều chuyên gia cho rằng ăn quá nhiều vải sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt làm trầm trọng bệnh ở những người bị tiểu đường do vải có khả năng làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Những người này chỉ nên ăn ít hơn 6-7 quả vải mỗi lần.
Phẫu thuật
Do tác dụng giảm lượng đường trong máu, nhiều chuyên gia lo ngại vải có thể ảnh hưởng đến đường huyết trong và sau phẫu thuật. Do vậy, bạn nên ngừng ăn vải ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Minh Vy