Phải chăng đang có vấn đề "đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm"?
Dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh nước thải từ làng nghề, nước thải công nghiệp đang chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp.
Đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ ý kiến cho rằng “tình trạng xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm?”
Liên quan đến nội dung trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và một số lưu vực sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu đang ô nhiễm nặng. Một số dòng sông “chết” vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Tuy vậy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thẳng thắn lưu ý dù các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực khắc phục, nhưng đến nay vẫn “chưa cải tạo được bao nhiêu.” Lý do là bởi các khu công nghiệp và làng nghề xả thải ra các dòng sông này cũng như chưa đủ nguồn lực để xử lý.
Nhức nhối tình trạng đầu nguồn xả thải, cuối nguồn gánh chịu |
Bàn giải pháp giải để “hồi sinh” các dòng sông “chết” hiện nay, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh trong thời gian tới các địa phương cần phải chung tay với nhau để xử lý nước thải đồng bộ. Trong đó, giải pháp căn cơ là phải giữ được nước, nước chảy tự nhiên với lưu lượng nước lớn, điều hòa được dòng chảy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội xem xét đến quy định bảo vệ lưu vực sông. Theo đó, sẽ thành lập Đề án về bảo vệ lưu vực sông; trong đó nhấn mạnh đến đảm bảo an ninh nguồn nước, trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, việc thành lập Tổ chức lưu vực sông phải hiệu quả nên rất cần sự phối hợp của các địa phương... Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phải là thành viên của Tổ chức lưu vực sông, với trách nhiệm chỉ đạo, điều hành địa phương đảm bảo an ninh nguồn nước, sử dụng nguồn nước có hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông để điều phối vấn đề trên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.