Quảng Bình: Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng
Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch tuyên truyền năm 2023 giải đoạn 2021 – 2025; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phố biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân và học sinh các xã; nâng cao chất lượng chuyên mục “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng”; tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền vận động giáo dân, giáo họ, bàu sen thực hiện công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường VQG Phong Nha – Kẻ Bàng”.
Triển khai thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững VQG Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2021 - 2030 và Quy chế quản lý, bảo vệ di sản; phương án quản lý bảo vệ rừng và PCCC VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2021 – 2025; triển khai thực hiện phương án sử dụng đất.
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ có sự hỗ trợ đắc lực từ thiết bị GPS, phần mềm SMART trong tuần tra quản lý bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học; áp dụng công nghệ viễn thám và các phần mềm giải đoán biến động, phần mềm GIS để tiến hành theo dõi biến động rừng và đất lâm nghiệp. Ban Quản lý Vườn lên kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo vệ Vườn từ trước đến trong Tết nguyên đán Quý Mão 2022; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng tại gốc; thay đổi cách thức, phương pháp tuần tra, kiểm tra linh hoạt, bí mật, bất ngờ, cương quyết bắt, giữ, xử lý các đối tượng vi phạm; nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng trái phép tại các khu vực trọng điểm.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn VQG. Đồng thời cũng chú trọng các địa bàn trọng yếu; tiếp tục thực hiện nghiêm phương án số 139/PA-VQG ngày 06/3/2020 của Ban quản lý vườn về việc kiểm tra, truy xuất lâm sản trên tuyến đường 20 và đường Hồ Chí Minh, tại các trạm kiểm lâm có rào chắn (barie); phát huy vai trò hiệu quả của các chốt chặn, tổ chốt, ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng đánh bắt thủy sinh, tham quan du lịch, khai thác cảnh quan trái phép; tăng cường khai thác ứng dụng ảnh viễn thám (Sentinel - 2, Lansat – 8). Ngoài ra, sử dụng ảnh vệ tinh Planet để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát phát hiện sớm các biến động rừng, đảm bảo tính hiệu quả, chính xác và liên tục; tăng cường tuần tra, kiểm tra, bảo vệ hệ thống mốc ranh giới và bảng ranh giới trong lâm phận được giao. Ban quản lý tích cực theo dõi, giám sát chặt chẽ các tác động đến môi trường, đặc biệt là tăng cường giám sát các hoạt động từ công trình, dự án có sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp, khai thác hoạt động du lịch; xử lý nghiêm các cơ sở, nhà hàng có xả, thải rác, nước thải trực tiếp ra môi trường để kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Đẩy mạnh quản lý, chú trọng công tác PCCC, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường công tác phối kết hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng với các cơ quan chức năng chính quyền địa phương, các đơn vị trên cơ sở các quy chế phối hợp, kế hoạch phối hợp đã ký kết; thực hiện điều chỉnh các quy chế, kế hoạch phối hợp không phù hợp (nếu có); trao đổi, cung cấp thông tin chủ động, có trách nhiệm với các đơn vị kinh doanh du lịch trong VQG và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn phục vụ công tác bảo vệ rừng.
Phát huy hiệu quả và tăng cường nguồn lực cho 21 nhóm BTTB; đánh giá tổng kết thực hiện đề án bảo tồn thôn bản và đề xuất tái cấu trúc đối với sự hỗ trợ của dự án USAID. Mục tiêu trọng tâm công tác bảo vệ rừng năm 2023 là không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn quản lý.
Những hành động cụ thể, thiết thực nêu trên của Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng, làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ làm tốt hơn nữa về công tác quản lí, bảo vệ rừng để xứng tầm với giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.
Thy Yến - Ngọc Sơn