RTI: Việt Nam ‘nằm trong nhóm ít ỏi các nước đã thanh toán được bệnh chân voi
Bệnh chân voi có tên chính thức là bệnh ‘giun chỉ bạch huyết’ (tên khoa học là lymphatic filariasis). Căn bệnh này do trùng chỉ được truyền vào người qua vật trung gian là muỗi gây ra. Căn bệnh này khiến chất lỏng tích tụ lại trong hạch bạch huyết. Hệ bạch huyết bị thương tổn cùng với sự viêm tấy đau đớn do nhiễm khuẩn và nấm mốc gây ra những biến dạng nghiêm trọng trên cơ thể, khiến cho tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể bị phù lên.Bệnh nhân bị mắc chứng bệnh này thường phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong kiếm sống cũng như tìm kiếm bạn đời. Bệnh nhân thường bị nhiễm bệnh khi còn nhỏ và những thương tổn trong hệ bạch huyết lúc đó còn chưa thấy được nhưng đến khi lớn lên thì tác dụng sưng phù mới phát tác và dẫn đến khuyết tật suốt đời.
Bệnh nhân bệnh giun chỉ bạch huyết ở Việt Nam (RTI International/Nguyen Minh Duc)
Các yếu tố dẫn đến thành công này của Việt Nam, theo RTI, là sự lãnh đạo của chính phủ, cam kết của hãng dược GlaxoSmithKline cung cấp thuốc điều trị miễn phí trên toàn cầu cho những nỗ lực chống dịch, cam kết của WHO và Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng như quan hệ đối tác mạnh mẽ.Trong đó, RTI của Mỹ cũng đánh giá cao vai trò điều phối tích cực của Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Việt Nam mà họ xem là ‘nhân tố then chốt’.
Ông Molly Brady, quản lý cao cấp của dự án ENVISION, thuộc Bộ phận Các bệnh nhiệt đới ít được chú ý của RTI, nhận định: “Những người điều phối chương trình về bệnh giun chỉ bạch huyết của Việt Nam đã đảm bảo rằng các hoạt động diễn ra vào thời điểm thích hợp, thực hiện giám sát và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cấp thấp hơn và tìm đến các chuyên gia quốc tế khi các tình huống khó khăn xuất hiện”. Ông Brady đưa ra dẫn chứng là khi phát hiện các cụm bệnh nhân bị phù bạch huyết ở những khu vực mà chưa có chương trình chống dịch ở quy mô lớn thì Viện Sốt rét và Ký sinh trùng đã yêu cầu sự hỗ trợ từ USAID, Nhóm Công tác về Y tế Toàn cầu và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) để nhờ họ khảo sát các địa phương này để xác nhận tình trạng đặc hữu của các khu vực đó.
Chương trình Quốc gia thanh toán bệnh giun chỉ bạch huyết là chương trình do Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế khởi động vào năm 2001. Trong chương trình này, Việt Nam đã tiến hành điều trị ở quy mô lớn và thực hiện khảo sát đánh giá ở sáu huyện bị ảnh hưởng bởi dịch ở bốn tỉnh trong giai đoạn từ 2003 đến 2008 theo tiêu chí để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh.
Cho đến năm 2011, chương trình này nhận được sự hỗ trợ của USAID. USAID đã hỗ trợ trong việc thực hiện các khảo sát đánh giá việc truyền nhiễm, thu thập dữ liệu về dịch bệnh và soạn thảo hồ sơ về bệnh giun chỉ bạch huyết.
Ông Bradynêu rõ: “Chính phủ Việt Nam xứng đáng được chúc mừng vì đã đạt được mục tiêu y tế đầy tham vọng nàyvà đây là kết quả của công việc tập thể”, mà trong đó ông cũng đề cập đến WHO, USAID và nhiều đối tác khác nữa.
Các thách thức mà Việt Nam đối mặt khi đối phó với bệnh giun chỉ bạch huyết đa phần là ‘địa lý và hậu cần’, theo RTI. Khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch ở Việt Nam có đến hơn 3,7 triệu dân. Viện Sốt rét và Ký sinh trùng không chỉ thực hiện chữa trị và khảo sát trên quy mô lớn mà họ còn phải cung cấp bằng chứng về chất lượng điều trị cho các bệnh nhân phù bạch huyết để được công nhận là đã thanh toán được dịch.
Về sự kỳ thị đối với các bệnh nhân bị mắc chứng bệnh này, đại diện của RTI thừa nhận rằng rất khó để loại trừ hoàn toàn, nhưng chính quyền Việt Nam đã có những bước đi tích cực như huấn luyện cho đội ngũ y tế hội nhập các bệnh nhân bị bệnh phù chân voi vào các hoạt động của cộng đồng, khuyến khích sự giao tiếp với láng giềng và giúp các bệnh nhân củng cố hệ thống tự chăm sóc.
Thành tích này có nghĩa là các thế hệ tương lai của Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi căn bệnh đáng sợ này vốn gây ra những dị dạng trên cơ thể dẫn đến sự kỳ thị của xã hội. Ngoài ra, thành công của Việt Nam còn đem đến những bài học có ý nghĩa đối với các quốc gia đang phát triển khác cũng đang chiến đấu với căn bệnh nhiệt đới này.
Tuy nhiên, RTI cũng khuyến cáo rằng ‘thanh toán được không có nghĩa là chấm hết’. Họ cho rằng chính phủ Việt Nam cần phải tiếp tục giám sát để đảm bảo rằng nếu căn bệnh này xuất hiện trở lại nó sẽ được phát hiện và phản ứng ngay lập tức. Ngoài ra, Việt Nam còn phải tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân đã nhiễm giun chỉ bạch huyết một cách đàng hoàng.
Linh Đức