Số ca COVID-19 gia tăng khi miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa
Số ca COVID-19 ở Việt Nam trong gần một tuần qua đang tăng nhanh, đặc biệt có 2 ngày gần đây số trường hợp mắc mới vượt mức 100 ca/ngày, đáng lưu ý số bệnh nhân nặng cũng tăng lên.
Các chuyên gia nhận định số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có SARS-CoV-2.
Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ca mắc gia tăng tại Hà Nội
Theo Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 11/4, cả nước ghi nhận 183 ca mắc COVID-19, tăng 70 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số mắc cao nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 8/4, số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam cũng tăng lên con số 122 ca.
Đây là tuần có số ca mắc COVID-19 tăng cao, sau rất nhiều ngày kể từ đầu năm 2023, số mắc chỉ ở con số vài ca/ngày hoặc nhiều là hơn 50 ca/ngày.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), trong những ngày gần đây bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mạnh. Trong thời gian tháng 3 bệnh viện chỉ ghi nhận 25 bệnh nhân, tuy nhiên trong 10 ngày đầu tháng 4 đã ghi nhận khoảng 75 bệnh nhân.
Hiện tại số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn tăng lên nhanh. Trong tháng Ba, bệnh viện chỉ ghi nhận 1-2 bệnh nhân phải nhập viện, nhưng hiện tại đã có khoảng 10 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân tăng lên đa phần phải thở oxy, tập trung ở người cao tuổi có bệnh nền.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngày 11/4 các bác sỹ của bệnh viện đang điều trị cho 74 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 10 ca thở oxy kính.
Còn tại tỉnh Lào Cai, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn, ngày 8/4 vừa qua trên địa bàn phát hiện 50 người mắc COVID-19, đều là cán bộ, giáo viên và học sinh trường Trung học Cơ sở Khánh Yên.
Theo các chuyên gia, thời gian gần đây số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, khử khuẩn thường xuyên của nhiều người dân. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số nơi còn thấp cũng khiến ca COVID-19 mắc, ca nhập viện có dấu hiệu gia tăng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.528.042 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.500 ca nhiễm).
Dịch vẫn được kiểm soát trên cả nước
Bộ Y tế nhận định, dịch COVID-19 cơ bản vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới. Trên thế giới cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Việt Nam đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế thì tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào. Vì vậy, Việt Nam cần phối hợp tốt với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để công bố tình trạng COVID-19 thành bệnh nhóm B cho hợp lý.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đang xem xét tính kiểm soát ổn định của dịch COVID-19 để có ứng phó phù hợp. Nếu không xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, kháng lại các vaccine đang sử dụng, quản lý được số mắc một cách ổn định, hệ thống y tế không bị quá tải, số ca chuyển nặng, tử vong không nhiều thì dần dần sẽ gọi là kiểm soát ổn định. Khi đó, đại dịch COVID-19 có thể được công bố thành bệnh lưu hành.
Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, dù COVID-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa thì vẫn phải tiêm vaccine vì vẫn có nhiều người tử vong.
Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra. Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.
Theo TTXVN