Số ca nCoV toàn cầu tuần qua giảm mạnh
WHO cho biết thế giới ghi nhận 3,6 triệu ca mới trong tuần qua, giảm 400.000 so với 4 triệu ca tuần trước đó. Hai khu vực báo cáo sụt giảm nhiều nhất là Trung Đông (22%) và Đông Nam Á (16%). Hầu hết ca nhiễm mới tập trung ở Mỹ, Ấn Độ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines, biến chủng Delta đã xuất hiện ở 185 quốc gia và trở thành chủng trội toàn cầu.
Số ca tử vong toàn cầu cũng giảm 7% trong tuần qua, khi thế giới chỉ ghi nhận 60.000 người chết vì Covid-19. Đông Nam Á là khu vực chứng kiến xu hướng giảm mạnh nhất với 30%.
Tính đến sáng 23/9, thế giới đã ghi nhận 230.781.220 ca nhiễm nCoV và 4.730.719 ca tử vong, tăng lần lượt 475.058 và 8.307, trong khi 207.485.801 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Hơn 6 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, với 43,7% dân số thế giới tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ khoảng 2%.
Mỹ và nhiều quốc gia giàu bị chỉ trích vì kế hoạch tiêm liều tăng cường cho người cao tuổi và có nguy cơ cao, trong khi phần lớn thế giới đối mặt với tình trạng thiếu vaccine giữa lúc các đợt bùng phát nghiêm trọng vẫn xảy ra..
Tại hội nghị thượng đỉnh Covid-19 của các lãnh đạo thế giới hôm 22/9, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ tặng thêm 500 triệu liều vaccine cho thế giới chống đại dịch, nâng tổng số liều chia sẻ lên 1,1 tỷ. "Mỹ sẽ trở thành kho vaccine như chúng tôi từng là kho vũ khí trong Thế chiến II", ông Biden nói.
500 triệu liều mới được Mỹ đặt mua từ Pfizer và dự kiến chia sẻ cho những nước có thu nhập thấp và trung bình bắt đầu từ tháng 1/2022, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden. Giá của lô vaccine này vào khoảng 7 USD/liều.
Biden nhấn mạnh Mỹ chia sẻ vaccine mà không kèm bất kỳ ràng buộc chính trị nào. Ông chủ Nhà Trắng cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới cùng nỗ lực tiêm cho 70% dân số thế giới vào tháng 9/2022.
Tổng thống Mỹ cam kết hỗ trợ 370 triệu USD để tiêm chủng và phân phối vaccine toàn cầu, thêm rằng Washington đang cung cấp gần 1,4 tỷ USD để giúp chống Covid-19, thông qua "hỗ trợ oxy, mở rộng thử nghiệm và tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe".
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 43.372.443 ca nhiễm và 699.329 ca tử vong, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 103.174 người nhiễm và 1.807 người chết trong 24 giờ qua. Quốc gia này đã tiêm chủng ít nhất một liều cho 75% dân số từ 12 tuổi trở lên, trong đó 64% tiêm đủ mũi.
Italy, từng là tâm dịch châu Âu, cũng cam kết chia sẻ 45 triệu liều vaccine Covid trước cuối năm nay. Trong một video gửi tới hội nghị thượng đỉnh Covid-19 tại Mỹ, Thủ tướng Mario Draghi cho biết Italy trước đó hứa tặng 15 triệu liều vào cuối năm nay. "Gần một nửa trong số này đã được chuyển đi và hôm nay tôi vui mừng thông báo rằng chúng tôi sẽ nỗ lực gấp ba. Chúng tôi sẽ tặng thêm 30 triệu liều cho đến cuối năm nay để đạt 45 triệu liều", ông nói.
Trong khi số ca nhiễm toàn cầu có xu hướng giảm, thủ đô Moskva của Nga chứng kiến dịch tăng trở lại trong vài ngày qua. Thị trưởng Moskva Anastasia Rakova cho biết số ca nhiễm ở thủ đô tăng 24% so với tuần trước, trong khi số ca nhập viện tăng 15%. Chủng Delta hiện chiếm hầu hết số ca nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Nga báo cáo 19.706 ca nhiễm và 817 ca tử vong. Quốc gia này đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 ca tử vong, trở thành vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ và Anh.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, Australia, một trong những quốc gia có biện pháp kiểm soát biên giới ngăn Covid-19 chặt chẽ nhất, dự kiến mở cửa với thế giới muộn nhất vào dịp Giáng sinh. Bộ trưởng Du lịch Dan Tehan cho biết người Australia có thể đi ra nước ngoài mà không bị hạn chế về điểm đến, khi tỷ lệ tiêm chủng ở trong nước đạt 80%.
Biên giới Australia hầu như đóng cửa với người không phải công dân hoặc không cư trú ở quốc gia này kể từ tháng 3 năm ngoái.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng đang trong lộ trình nới hạn chế và mở cửa trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng dần được cải thiện.
L.Đức