Sự cân bằng giữa đại dương và khí quyển ngày càng chênh lệch
WMO cảnh báo rằng biến đổi khí hậu không chỉ đang tác động tới đại dương mà còn làm gia tăng các rủi ro cho hàng trăm triệu người, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động quan sát, nghiên cứu và dự báo có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Với chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 là "Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta", WMO đã nhấn mạnh việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống Trái đất khi chỉ ra rằng đại dương đóng vai trò làm bộ phận điều chỉnh nhiệt độ cũng như băng tải của Trái đất bằng cách hấp thụ và biến đổi một phần bức xạ của Mặt trời chiếu lên bề mặt Trái Đất. Các dòng hải lưu hình thành và lưu thông sức nóng này quanh trái đất, từ đó quyết định nhiệt độ thời tiết cũng như khí hậu của Trái Đất trên quy mô toàn cầu cũng như các vùng.
Tuy nhiên, sự cân bằng đại dương và khí quyển tự nhiên ngày càng "chênh lệch" do tác động từ các hoạt động của con người.
Theo Tổng Thư ký WMO, Petteri Taalas, nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục, quá trình đại dương bị acid hóa đang tiếp diễn. Nhiệt độ đại dương ấm lên đã thúc đẩy một mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương và các cơn lốc xoáy nhiệt đới dữ dội bất thường ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương.
Thiệt hại từ ảnh hưởng của nước dâng do bão ở những khu vực này đã chứng tỏ sức mạnh của đại dương và tác động tàn phá của nó đối với các cộng đồng dân cư ven biển. Thể tích băng tối thiểu trên khu vực Bắc Cực năm 2020 được ghi nhận nằm trong nhóm có mức thấp nhất. Các cộng động ở vùng cực đã phải hứng chịu lũ lụt bất thường ở ven biển cũng như các hiểm họa trên biển do băng tan. Với 40% dân số toàn cầu sống cách bờ biển chỉ 100km, có thể thấy nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ an toàn cộng đồng dân cư trước tác động của các thiên tai ven biển.
Đ.L