Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải
Hoàn thiện thể chế, chính sách
Trong Nghị quyết 111/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã đặt ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ lao động, năng lực cạnh tranh, tỷ trọng kinh tế…cần đạt được đến năm 2030. Trong đó có mục tiêu quan trọng là đạt các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN; chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) đạt trên 55.
Để đạt được các mục tiêu trên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trước hết là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về đền bù, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất phục vụ cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng. Đồng thời, tiếp tục rà soát và hoàn thiện chính sách đất đai, khoáng sản để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phải tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2035, tầm nhìn đến 2050 đồng bộ với Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050;
Ngoài ra, phải điều tra, đánh giá, thăm dò, xác định tiềm năng, trữ lượng các khoáng sản năng lượng hiện có và tài nguyên các nguồn địa nhiệt, khí đá phiến. Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả và nhân rộng.
Và, khuyến khích đầu tư nghiên cứu áp dụng quy trình và phương pháp sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng các biện pháp để cải thiện và xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp. Khoanh định, công bố các khu vực có khoáng sản độc hại, phóng xạ; xác định, đánh giá rủi ro, phân vùng rủi ro tai biến địa chất; đánh giá tiềm năng và thăm dò cát biển; Tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, bảo đảm các mục tiêu quốc gia, ngành, lĩnh vực theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Các bộ khác như Công thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch đầu tư… phải nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo với mục đích tự dùng, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà; nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt nước; xây dựng đề án về phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường; phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường;
Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Triển khai thực hiện các quy định và lộ trình về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, cơ chế, chính sách trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, phát triển thị trường các-bon trong nước tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện cơ chế ưu tiên để phát triển mạnh công nghiệp tái chế và công nghiệp tái tạo; thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng, tái chế chất thải phù hợp với từng ngành, vùng, miền.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ và toàn diện việc sử dụng quặng và chất thải chứa kim loại màu, nguyên tố đất hiếm. Có chiến lược phát triển khai thác, chế biến quặng đất hiếm và một số loại khoáng sản có giá trị cao có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp sử dụng triệt để chất thải rắn, chất thải công nghiệp, tái chế chất thải xây dựng.
Bộ cũng phải chủ trì, tổ chức xây dựng lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu và tiến tới dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm hàng hóa chứa vi nhựa trước 31 tháng 12 năm 2030; Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái tự nhiên; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện chứng thực, công nhận dán nhãn sinh thái, hiệu quả năng lượng đối với sản phẩm trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và hàng tiêu dùng, chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương… phải phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; Xây dựng lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước trên cơ sở đánh giá tổng thể về lợi ích và chi phí của nền kinh tế; Xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.