Tác hại của cốc nhiễm chì
Gần đây em nghe nói các cốc gốm, cốc thủy tinh gia công và xuất xứ không rõ ràng bị nhiễm chì nguy hại cho sức khỏe, nhất là dùng pha sữa nóng cho bé.
Xin bác sĩ cho biết tác hại cụ thể, cách nhận biết. Lê Hoài (Lâm Đồng)
Chì nằm trong danh sách chất độc hại nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Nếu thường xuyên tiếp xúc thì rất dễ bị phơi nhiễm chì. Chì có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, đường miệng. Các thí nghiệm của Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm cho thấy, đồ gốm sứ, thủy tinh hoa văn càng sặc sỡ thì hàm lượng chì càng lớn. Bởi thủy tinh nung trên 1.000độ C thường không có màu, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.500độ C.
Ly cốc tách đẹp rực rỡ là do nhà sản xuất cho thêm chì vào, vừa tạo màu, vừa giảm nhiệt độ nung để tiết kiệm năng lượng. Chì còn được tráng bên ngoài để nhờ tính chất truyền sáng làm đồ thủy tinh đẹp. Những sản phẩm độc hại này càng thôi nhiễm chì cao nếu đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả... bởi ở nhiệt độ cao, có axit, kiềm muối sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể.
Nếu thường xuyên tiếp xúc do hàng ngày chúng ta sử dụng các vật dụng trong gia đình như đồ thủy tinh, đồ gốm… không đảm bảo thì có thể bị nhiễm độc chì.
Khi bị phơi nhiễm chì có thể có các triệu chứng: Ăn không ngon miệng, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn, bị chuột rút, nguy cơ tăng huyết áp, nhức đầu, cáu kỉnh, giảm trí nhớ, mất ngủ, lâu dài gây các bệnh về thận, tổn hại não và thiếu máu. Chì và hơi chì làm cho mắt, cổ họng và mũi đau rát khi tiếp xúc trực tiếp.
Nhiễm độc chì có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với trẻ em, bởi trẻ em các chức năng rất nhạy cảm và sức đề kháng yếu khi đó có thể gây tác động xấu lên não, hệ thần kinh, giảm khả năng tiếp thu và sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, không nên sử dụng các loại cốc gia công, xuất xứ không rõ ràng.
AloBacsi.vn
Theo BS Nguyễn Văn Bình - Sức khỏe & Đời sống