Tăng cường quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề dược
Tăng cường quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề dược |
Tại hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Luật Dược, nhiều đại biểu đã có ý kiến về việc cấp chứng chỉ hành nghề dược và cấp giấy lưu hành thuốc, vấn đề quản lý việc mua bán thuốc trên các trang thương mại điện tử, dự trữ thuốc hiếm, hoạt động của dược sỹ trong bệnh viện, quy định về hoạt chất trong y học cổ truyền…
Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam hiện có hơn 50 cơ sở đào tạo dược sỹ đại học nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa được kiểm soát. Điều này dẫn đến tình trạng dược sỹ dù không đủ chuẩn nhưng vẫn có thể xin được chứng chỉ hành nghề dược.
Do đó, ông Lê Ngọc Danh đề xuất cần có các kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề cho các dược sỹ và chỉ những ai vượt qua kỳ thi mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Việc này sẽ giúp sàng lọc được một số người dù tốt nghiệp dược sỹ đại học nhưng không đạt chuẩn. Hiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thuộc về Bộ Y tế, các Sở Y tế, các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… nhưng với việc thi chứng chỉ hành nghề, có thể giao cho các trường Đại học Y Dược có uy tín tổ chức.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Dược, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho rằng tại Việt Nam hiện nay chất lượng đào tạo ngành Dược không đồng đều, có sự khác biệt khá lớn giữa các cơ sở đào tạo. Mặc dù công bố của Bộ Y tế năm 2023 cho thấy số lượng dược sỹ đại học trên 100.000 dân đã vượt chỉ tiêu nhưng chất lượng dược sỹ lại đang còn nhiều băn khoăn. Năm 2020, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội đã tổ chức kỳ thi thử về hành nghề dược. Cuộc thi này rất có ý nghĩa trong việc xác định lại chất lượng dược sỹ tại Việt Nam hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến kiến nghị cần có những quy định liên quan đến biện pháp quản lý, giám sát và chế tài phù hợp đối với việc đăng ký lưu hành dược phẩm. Thực tế đã có những trường hợp dù được cấp phép lưu hành ở Việt Nam nhưng trong suốt thời gian hiệu lực của số đăng ký, lại không thương mại hóa bất cứ sản phẩm nào lưu hành trên thị trường. Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều trường hợp khác muốn đăng ký lại không được. Nếu kiểm soát chặt vấn đề này, sẽ loại bỏ được các số đăng ký thuốc ảo, ổn định thị trường dược phẩm.
Ngoài ra, Nhà nước cũng nên có các chính sách điều tiết việc sản xuất dược phẩm, tránh tình trạng quá nhiều cơ sở cùng sản xuất một sản phẩm, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Cùng quan điểm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Dược học Thành phố cho rằng, các quy định trong đăng ký hồ sơ dược phẩm của Việt Nam hiện nay đang khá dễ dãi.
Bà Phạm Khánh Phong Lan đưa ra con số, Việt Nam có khoảng 800 hoạt chất nhưng có tới 22.000 số đăng ký thuốc, trong khi Singapore có 1.200 hoạt chất nhưng chỉ có 10.000 số đăng ký, Nhật Bản 1.600 hoạt chất cũng chỉ có khoảng 10.000 số đăng ký.
“Số đăng ký càng nhiều, quản lý càng khó. Vì thế, cần có chủ trương thuốc nào sản xuất được thì phải hạn chế nhập khẩu, việc nhập khẩu thuốc cũng cần có những tiêu chí kỹ thuật rõ ràng. Hiện, chúng ta mới chỉ cấp phép trên giấy tờ còn thực tế thế nào thì không kiểm chứng. Trong khi đó, chi phí làm thủ tục đăng ký thuốc rất rẻ, chỉ vài triệu đồng một hồ sơ. Điều này dẫn đến rất nhiều công ty cứ đăng ký xong rồi để dành, đến khi số đăng ký hết hạn nhưng vẫn chưa sản xuất thuốc,” Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế.
Theo đại biểu này, nên ủng hộ các doanh nghiệp dược nội địa xây nhà máy để phát triển lâu dài, nhưng hướng đến sản xuất các sản phẩm thuốc đặc trị, bào chế hiện đại chứ không phải cùng sản xuất đại trà một vài loại thuốc đơn giản thông thường như giảm đau, hạ sốt để rồi đua nhau hạ giá khiến cho “một viên thuốc rẻ hơn một viên kẹo,” trong khi thuốc đặc trị thiếu vẫn thiếu.
Luật Dược sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây.