Tham vọng của Quảng Ninh
Vị trí thì Quảng Ninh đã có: Một vùng biên mậu nhộn nhịp giao thương, trục kết nối khoảng cách ngắn với thành phố cảng sẩm uất Hải Phòng, với các tỉnh Bắc bộ đông dân cư, và thủ đô Hà Nội.
Từ sức hút từ vị trí, tài nguyên và các thủ tục hành chính thông thoáng
Quảng Ninh có quá nhiều thứ để các địa phương khác phải ghen tỵ, thèm muốn. Một Hạ Long kì quan thế giới lộng lẫy, diễm lệ, một Yên Tử non thiêng trầm mặc, kì thú, những bãi tắm tuyệt đẹp: Quan Lạn, Vân Đồn, Trà Cổ, những dấu tích lịch sử và bản sắc văn hóa đa dạng của một địa phương nhiều dân tộc, và rừng, biển vốn là “ đặc sản” của Quảng Ninh với những “ vựa” cho khai thác dồi dào các sản phẩm lâm nghiệp, hải sản. Có thể nói Quảng Ninh như một kho báu dồi dào, đủ chỗ cho những ai muốn chinh phục và khai thác. Lại cũng không còn phải “lo xa, nghĩ gần” về thủ tục hành chính vì rất nhiều nhiêu khê đã được tháo gỡ, thủ tục đơn giản, thời gian rút ngắn nhờ những cải cách mạnh mẽ và dứt khoát.
Trong tham vọng đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng phát triển trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng dồi dào, với sự chỉ đạo của trung ương, người Quảng Ninh đã sớm nhận ra sự “ lợi hại” của giao thông nên trong mấy năm qua người ta đã chứng kiến những cú đột phá mạnh trên lĩnh vực này.
… Đến tầm nhìn rộng mở đón nhà đầu tư
Tầm nhìn ấy được thể hiện khá rõ nét qua đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”.
Trong khi nhiều địa phương khác đến nay chỉ có thể thực hiện 2 đến 3 loại hình giao thông thì theo đề án này, Quảng Ninh sẽ có 5 loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không. Như vậy, nhà đầu tư có thể đến Quảng Ninh thăm thú, làm ăn, hợp tác kinh tế, vận chuyển hàng hóa bằng những phương tiện giao thông mà bạn có hoặc bạn thích.
Đặc biệt là việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, trên diện tích đất 320 ha theo tiêu chuẩn hàng không cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có thể đón được các máy bay lớn như Boeing 77. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, động lực để phát triển Vân Đồn thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tuyến giao thông bộ, huyết mạch của nền kinh tế sẽ được đầu tư, xây dựng, nâng cấp với cao tốc Hà Nội - Hạ Long, tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng (bao gồm cầu Bạch Đằng), Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn – Mông Dương có tổng đầu tư 10.062 tỷ đồng. Tuyến Vân Đồn – Móng Cái, có thể coi là tuyến hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, tạo nên sự phát triển liên vùng
Cầu Bạch Đằng sẽ hoàn thành vào tháng 6/2018 sẽ rút ngắn khoảng cách Hải Phòng - Hạ Long. ảnh Đỗ Phương
Sau năm 2020, cao tốc Nội Bài – Hạ Long sẽ có 6 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ; các tuyến đường đối nội sẽ được mở rộng và bổ sung, kết nối với các khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ, du lịch. Riêng tại thành phố Hạ Long sẽ là các “công trình thế kỷ” như: Hầm chui qua sông Cửa Lục để giảm tải lưu lượng phương tiện cho cầu Bãi Cháy; đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, tuyến monorail chạy dọc hầu hết các địa bàn thành phố và kéo dài sang khu vực khác như Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả.
Hãy thử hình dung: Tuyến cao tốc Hà Nội- Hạ Long rút ngắn thời gian đi lại từ trên dưới 4 tiếng xuống còn chưa đầy hai tiếng. Tuyến tuyến cao tốc Vân Đồn – đến thành phố cửa khẩu Móng Cái hình thành, thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.
Cầu Cẩm Y1, Dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (Quảng Ninh). (Ảnh: Công ty Thái Yên).
Giao thông thuận tiện đã tạo nên sự liên kết, hỗ trợ giữa các vùng miền giàu tiềm năng: Khu kinh tế Vân Đồn (Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong thời gian tới); Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế Đầm Nhà Mạc - Quảng Yên và các trung tâm hành chính - văn hóa – kinh tế Hạ Long – Uông Bí – Quảng Yên – Đông Triều.Cùng với các công trình giao thông cầu biên giới như Bắc Luân II, Hoành Mô (kết nối với Trung Quốc), trong tương lai gần khi các tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành sẽ tạo kết nối giao thông trong trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh.
Chắc chắn, lợi thế về địa lý của tỉnh là cửa ngõ vùng Đông Bắc sẽ được phát huy, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư sẽ gia tăng đáng kể. Như vậy, việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đa dạng, hiện đại, hiệu quả cũng chính là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vân tải quốc gia, vùng, lãnh thổ.
Các đơn vị đang ngày đêm thi công để dự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn hoàn thành đúng tiến đọ vào quý I/2018.
Đây cũng chính là cách hiện thực hóa mục tiêu, định hướng tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh là “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá” cho những bước nhảy ngoạn mục trong tương lai.
Hiện thực hóa giấc mơ
Những qui hoạch, dự án dù nhãn tiền thấy lợi ích to lớn nhưng nguồn lực không có thì mãi chỉ là những giấc mơ viển vông. Con số hàng chục ngàn tỷ cần đầu tư trong điều kiện ngân sách chưa cho phép dường như đặt Quảng Ninh vào thế khó. Như chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Long nói: Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Nhưng chờ đợi đồng nghĩa với đánh mất cơ hội. Giấc mơ phải trở thành hiện thực. Với quyết tâm ấy, Quảng Ninh đã mạnh dạn, năng động tìm nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa, bằng chính sách thông thoáng, hài hòa các lợi ích.
Đến nay, nguồn vốn xã hội hóa qua các dự án BT, BOT… mà Quảng Ninh đã huy động được lên tới trên 30 ngàn tỷ đồng với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư. Trong đó phải kể đến nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Sun Group, với gần 7.500 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh. Các nhà đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, Hạ Long -Vân Đồn- Mông Dương với số vốn bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng...
Phối cảnh Cảng hàng không Vân Đồn.
Tham vọng của tỉnh là sẽ huy động thêm 30 ngàn tỷ trong giai đoạn 2018 - 2020, đưa nguồn vốn xã hội hóa xây dựng hạ tầng giao thông Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2010 lên 60 ngàn tỷ. Cũng cần nói thêm những giải pháp tích cực và triệt để mà tỉnh này đã thực hiện trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tốc độ GPMB nhanh, tạo thuận lợi và yên tâm cho nhà đầu tư trong việc triển khai và thực hiện tiến độ dự án các dự án.
Đến nay, dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng sắp hoàn thành, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn – Mông Dương đang được thực hiện khẩn trương. Khoảng 5/2018, Quảng Ninh sẽ chính thức đưa chuỗi dự án này vào khai thác. Cảng hàng không Quảng Ninh cũng đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại cuối quý II/ 2018.
Vĩ thanh
Những ngày này, rất nhiều người đến Quảng Ninh đã thốt lên: Quảng Ninh bây giờ thay đổi nhanh quá, ngày càng hấp dẫn hơn. Vâng! Quảng Ninh đang thay đổi, đang ngày càng hấp dẫn. Và chỉ một thời gian rất ngắn nữa thôi, khi hàng loạt dự án, công trình giao thông hiện đại được khai thác, kết nối các điểm đến, khơi dậy các tiềm năng, đánh thức các tài nguyên, làm mạnh hơn các lợi thế, Quảng Ninh sẽ còn hấp dẫn hơn nữa. Sẽ thật sự là nơi đáng sống, đáng đến.
Và với các nhà đầu tư đang muốn tìm một bến đỗ cho những kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì nơi này chắc chắn sẽ là địa chỉ không thể bỏ qua. Vì sao? Vì cùng với vô vàn lợi thế về vị trí, tài nguyên, thiên nhiên,mọi cánh cửa đã mở, mọi con đường đã thông, thảm đỏ đã trải. Mọi thứ đã sẵn sàng! Và người Quảng Ninh, với nụ cười rộng mở, cũng đang sẵn sàng chào đón bạn!
PV