Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm
Theo ông Nguyễn Thành Phong, với thực tiễn của một thành phố là đầu tàu của cả nước về nhiều mặt và là trung tâm sản xuất, lưu thông hàng hóa, với quy mô dân số hơn 13 triệu người thì việc thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2349 ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương rất đúng đắn và phù hợp.
Sau 3 năm hoạt động thí điểm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, mô hình này đã thực sự hiệu quả khi đã giải quyết được hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và các đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác an toàn thực phẩm. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm nhiều hơn, vị trí và vai trò của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng cao hơn; phát huy được sức mạnh khi tập hợp lực lượng, thống nhất đầu mối trong xử lý công việc. Hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm được nâng cao thông qua sự sáng tạo trong vận hành mô hình Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận - huyện và chợ đầu mối.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, Ban Quản lý là một cơ quan tương đương cấp sở nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành có liên quan cho mô hình thí điểm là Ban Quản lý an toàn thực phẩm, nên còn nhiều lúng túng trong thực tế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại thành phố chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả bước đầu của 3 năm thí điểm vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân yêu cầu Sở Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố thành lập mạng lưới các Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận - huyện, chợ đầu mối trực thuộc Sở An toàn thực phẩm, có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 năm thí điểm, các chương trình hành động của đơn vị này luôn hướng tới mục tiêu “xây thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn”. Xây thực phẩm sạch trong cả hai khâu sản xuất và kinh doanh phân phối. Việc làm này tập trung phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng; phát triển mô hình kinh doanh hiện đại và cải thiện kinh doanh truyền thống-xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn. Chống thực phẩm bẩn bằng cách tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra thông qua việc triển khai mô hình các Đội quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối và các quận - huyện; phòng chống ngộ độc thực phẩm thông qua việc tăng cường giám sát chất lượng, triển khai các kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn cho trường học, bệnh viện, công ty, thức ăn đường phố, lễ hội, sự kiện.
Cùng với đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng và người hành nghề; đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong việc cấp phép an toàn thực phẩm.
Đinh Hằng