Việt Nam mỗi năm có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung
SK&MT - Ung thư cổ tử cung là một trong số các loại ung thư thường hay gặp có suất độ thứ hai trong các ung thư của phụ nữ trên thế giới, với khoảng 500.000 ca mắc mới mỗi năm, trong số đó khoảng một phần hai đã tử vong. Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung và ung thư vú là hai loại có tần suất cao nhất.
Ung thư cổ tử cung là ung thư sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ tại các nước kém phát triển. Mỗi năm trung bình có 10-20 người trong 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 30 được phát hiện có ung thư cổ tử cung. Tần suất này cao nhất ở Columbia và ở Đông Nam Á.
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35 trở lên. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do UTCTC. Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng lên 443.000 người trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi con số dự đoán tử vong do các biến chứng liên quan đến thai sản.
Buổi hội thảo khoa học chuyên đề “Chung tay phòng ngừa mối nguy hiểm thầm lặng từ HPV”.
Việt Nam hàng năm có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung với 2.400 trường hợp tử vong, tương ứng với 7 phụ nữ chết và 14 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Tỷ lệ mắc có ở tất cả các tỉnh, tại Hà Nội, tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung là 6,5/100.000 phụ nữ, trong khi đó ở TP. HCM tỉ lệ mắc khá cao: 26/100.000 phụ nữ.
Đây là những thông tin được cung cấp từ Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ HCM, tại buổi hội thảo khoa học chuyên đề “Chung tay phòng ngừa mối nguy hiểm thầm lặng từ HPV”.
Bệnh lý này liên quan đến điều kiện y tế yếu kém trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản bao gồm việc tầm soát ung thư cổ tử cung, chuẩn đoán và điều trị các tổn thương tiền xâm lấn, kiểm soát các bệnh lây qua đường tình dục và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội đưa đến giảm đề kháng của bệnh tật. Ngoài ra, số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn thấp, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế do thiếu những chương trình tuyên truyền giáo dục.
HPV (human papillomavirus) là một virus nguy hiểm - nguyên nhân của nhiều gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là ung thư cổ tử cung ở nữ giới và mụn cóc sinh dục ở cả hai giới. Chuyên gia cũng nhấn mạnh, virus HPV ngoài lây truyền qua đường tình dục, còn có thể lây truyền qua đường ngoài sinh dục, như sử dụng chung đồ lót, găng tay phẫu thuật, kìm sinh thiết...
Vắc xin ngừa HPV đã được các Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, Cơ quan quản lý thuốc châu Âu đã thử nghiệm lâm sàng và được phổ biến ở hơn 130 quốc gia và được đưa vào chương trình tiêm chủng của 66 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, vắc xin ngừa HPV đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng từ năm 2008. Hiện ở Việt Nam dang lưu hành 2 loại vắc xin HPV: vắc xin nhị giá và vắc xin tứ giá. Vắc xin tứ giá ngừa HPV phòng nhiễm các chủng HPV 6,11,16,18 (có trong thành phần vắc xin), trong đó các chủng HPV 16,18 gây hơn 70% các trường hợp UTCTC. Các vắc xin này có hiệu quả bảo vệ 99% chống nhiễm vi rút HPV dai dẳng đường sinh dục và có hiệu quả 98% phòng tổn thương tiền UTCTC vừa và nặng gây ra bởi hai chủng vi rút HPV 16, 18. Ngoài ra vắc xin này còn phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn.
Tiêm vòng vắc-xin HPV cho trẻ em gái ở độ tuổi 12 sẽ giúp ngăn ngừa 690.000 ca nhiễm ung thư cổ tử cung và ngăn ngừa được 420.000 ca tử vong trên toàn thế giới.
Phụ nữ trong độ tuổi từ 21-70 đã quan hệ tình dục, đặc biệt là độ tuổi từ 30-50 cần phải làm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Theo đó, phụ nữ từ 21-29 tuổi cần làm xét nghiệm sàng lọc bằng tế bào cổ tử cung hoặc VIA 2 năm/lần.
Ngoài việc tiêm ngừa, chị em cũng cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm, để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp. Nên thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường nhằm điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường này tiến triển thành UTCTC.
Hoàng Sinh