Vitamin cho trẻ - Công và tội
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Là những thành phần mà cơ thể cần cho các hoạt động chức năng và quá trình phát triển bình thường, vitamin luôn có 2 mặt: tốt và gây hại
Những câu hỏi
Trước hết, có rất nhiều yếu tố có thể tác động vào phương cách chế biến thức ăn và dẫn đến kết quả là một số vitamin sẽ biến mất khỏi thực phẩm. Hơn nữa, trẻ em cực kỳ “kén cá chọn canh”, vì thế chúng có thể sẽ hấp thụ quá ít chất dinh dưỡng cho nhu cầu hằng ngày. Câu hỏi đặt ra là: Trong những trường hợp như vậy, các bậc cha mẹ có cần phải cung cấp cho trẻ các chế phẩm vitamin nhằm bổ sung cho những vitamin bị “thất thoát” trong bữa ăn của các em hay không? Có an toàn và hiệu quả không khi phải bổ sung vitamin cho trẻ?
Vitamin hoạt động như những chất chống ôxy hóa trong cơ thể Ảnh: HỒNG THÚY
Vitamin là những thành phần mà cơ thể cần cho các hoạt động chức năng và quá trình phát triển bình thường của cơ thể. Vậy nên, từ già trẻ, lớn bé đều cần vitamin để giữ cho cơ thể khỏe mạnh cũng như phòng ngừa bệnh tật. Vì thế, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nếu trẻ em không thể có đầy đủ các vitamin từ thực phẩm thì việc sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin là điều cần thiết.
Hai mặt của việc bổ sung vitamin
Thế nhưng, đây có phải là điều hiển nhiên không? Một số chuyên gia về sức khỏe khác lại cho rằng các chế phẩm bổ sung vitamin là không cần thiết đối với trẻ em. Hơn nữa, việc sử dụng vitamin một cách dư thừa có thể gây hại cho sức khỏe nhiều hơn những lợi ích cố hữu của nó. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về việc bổ sung vitamin cho trẻ, dưới đây là những mặt tốt và mặt gây hại của việc bổ sung vitamin cho trẻ.
1 - Mặt tích cực
Những người bảo vệ quan điểm cần bổ sung vitamin cho trẻ đã đưa ra những bằng chứng khoa học về lợi ích của vitamin đối với sức khỏe:
- Vitamin thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào:
Khi trẻ phát triển và tăng trưởng, cơ thể cũng như vậy. Để các tế bào tăng trưởng một cách hoàn hảo, trẻ rất cần vitamin. Vitamin cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của các tế bào máu và những mô khác trong cơ thể.
- Vitamin là những chất chống ôxy hóa:
Phần lớn vitamin “hành nghề” như những chất chống ôxy hóa trong cơ thể. Cho nên, vitamin cũng đóng vai trò như một hệ thống phòng thủ, ngăn chặn tiến trình ôxy hóa trong cơ thể cũng như hạn chế hoặc vô hiệu hóa những tác động có hại của các axít béo chưa bão hòa; đồng thời các chất kháng ôxy hóa này chống lại các gốc tự do. Nhờ đó, trẻ được bảo vệ một cách hiệu quả trước bệnh tật.
- Hỗ trợ tiêu hóa:
Một vài chế phẩm vitamin có chứa thêm chất xơ. Những chất xơ này có vai trò hỗ trợ quá trình tiêu hóa của cơ thể. Thiếu chất xơ ở trẻ có thể gây ra những bệnh về đường ruột, thậm chí nặng hơn là chứng rối loạn tuần hoàn.
2 - Mặt tác hại
Ngược lại, các chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe với những nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ rằng sự bổ sung vitamin cho trẻ cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, cụ thể:
- Chức năng tim, phổi suy giảm:
Hãy lấy một dẫn chứng về sự thặng dư vitamin A. Nếu trẻ em được bổ sung quá nhiều vitamin A hơn liều được đề nghị thì sẽ bị những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Một dẫn chứng khác là vitamin D, sự thặng dư loại vitamin này có thể làm tăng sự tái hấp thu của calcium khiến hàm lượng calcium trong máu tăng cao. Và một khi điều này xảy ra, chức năng của những “phần mềm” trong cơ thể như tim, phổi sẽ bị suy giảm đáng kể.
- Trẻ em sẽ “ghiền” vitamin:
Rất nhiều bậc cha mẹ có khuynh hướng thay thế những chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ bằng những chế phẩm bổ sung vitamin bán đầy ở siêu thị. Vì thế, phương cách mà họ nghĩ là tốt và có lợi là cứ việc mua vitamin cho trẻ em uống. Nên nhớ rằng vitamin bổ sung từ các dạng chế phẩm bao giờ hàm lượng cũng nhiều hơn rất nhiều so với vitamin có được từ thực phẩm. Hơn nữa, việc sử dụng vitamin không được giám sát ở trẻ em thường dẫn đến quá liều. Mặt khác, trẻ em sẽ bị “ghiền” vì các chế phẩm bào chế cho trẻ em bao giờ cũng ngọt ngào thơm tho!
Tóm lại, các bậc cha mẹ cần biết rằng vitamin bao giờ cũng có 2 mặt “công và tội” như tất cả loại thuốc khác.
Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường
Theo NLĐ