Bác sĩ ‘điểm danh’ những bệnh lý nguy hiểm ở trẻ trong mùa nắng nóng
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Thị Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là điều kiện thuận lợi bùng phát một số bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn; say nóng, say nắng; các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng…).
Nắng nóng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá. |
“Trong các nhóm bệnh này, sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ”, bác sĩ Ngọc Phú nhấn mạnh.
Theo đó, bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú lưu ý, khi trẻ đang hoạt động trong môi trường nóng kéo dài kèm theo các biểu hiện như sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh; nôn ói; lừ đừ, lơ mơ; đi đứng không vững hoặc hôn mê, co giật đây là dấu hiệu của trẻ bị sốc nhiệt.
Còn khi trẻ có các triệu chứng như sốt, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đau bụng, tiêu đàm máu… và một số dấu hiệu đặc trưng khác tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn) là các bệnh lý của đường tiêu hoá như tiêu chảy cấp do virus, ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác như lỵ, tả.
Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: trẻ không tỉnh táo, lừ đừ; không uống được, bỏ bú; không có nước tiểu trong vòng 6 - 8 giờ, khóc không có nước mắt, da, môi khô, mắt trũng. Trẻ bị tiêu chảy trên 2 ngày không giảm; tiêu chảy có sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu.
Để phòng bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng, ngành y tế khuyến cáo nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, mát mẻ, tránh để cho trẻ hoạt động vui chơi, thể chất ngoài nắng quá lâu. Nếu cần ra ngoài, cho trẻ đội mũ vành rộng, quần áo sáng màu, chất vải nhẹ nhàng. Nếu đi biển, không cho các em tắm vào thời điểm nắng nóng từ 10 sáng đến 16 giờ chiều. Khi trẻ rơi vào tình trạng say nắng, cần lập tức đưa trẻ vào vùng râm mát, thông thoáng và tìm cách hạ thân nhiệt cho trẻ như chườm mát bằng khăn mát, nới lỏng quần áo, bù nước và các dung dịch điện giải bằng đường uống.
Chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, đảm bảo “ăn chín, uống sôi”, nguồn thức ăn phải tươi, sạch, dụng cụ cho trẻ ăn uống phải sạch, bảo quản đồ ăn đúng cách. Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ. Dạy trẻ biết rửa tay bằng xà phòng đúng cách, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
Bên cạnh đó, phụ huynh không nên mở máy điều hòa cả ngày và nên giới hạn thời gian sử dụng điều hòa ở trẻ từ khoảng 2 đến 3 giờ; đồng thời nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8 - 10 độ C, hoặc duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độ C là hợp lý. Trẻ đang ở trong điều hòa không nên ra ngoài đột ngột để tránh sốc nhiệt dễ sinh ra bệnh tật như đau đầu, cảm sốt… do cơ thể trẻ không kịp thích ứng.
Khi ra khỏi phòng nên mở cửa to và tắt máy lạnh 15 - 30 phút trước khi ra khỏi phòng, để trẻ tiếp xúc gần với không khí bên ngoài, để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới.
Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm.