Bài học đáng giá nhất là sống chung với Covid
Italia áp dụng thẻ xanh
Từ 15/10, Italia sẽ là nước đầu tiên trong EU áp dụng rộng rãi thẻ xanh. Theo đó, người làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp tư nhân từ ngày 15/10 tới, căn cứ nghị quyết của Chính phủ, đều phải có thẻ xanh mới có thể đi làm.
Thẻ xanh này là chứng nhận đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi hoặc đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính. Ai không có thẻ xanh mà vẫn đi làm sẽ bị phạt từ 40-1.000 euro. Thực ra trong thời gian qua đã có sự vận dụng thẻ xanh ở mức độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở Italia. Ví dụ, từ tháng 5, nước này đã áp dụng nghĩa vụ phải tiêm chủng cho người làm việc trong ngành y tế. Ai chưa tiêm sẽ phải chuyển sang làm việc khác không tiếp xúc với bệnh nhân hoặc tạm dừng làm việc không lương do không bố trí được việc làm thích hợp.
Từ đầu tháng 8, thẻ xanh cũng được sử dụng để vào bảo tàng, cơ sở thẩm mỹ, nhà hàng và từ đầu tháng 9 để đi tàu hỏa, tàu thủy, xe khách đường dài.
Bắt đầu từ năm học mới, Italia cũng áp dụng thẻ xanh cho đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ và học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Draghi cùng Chính phủ Italia cương quyết thực hiện chống lại làn sóng thứ 4 của đại dịch theo phương châm “nhiều hơn chút so với sự cần thiết“. Ông dự tính sẽ đưa vào áp dụng nghĩa vụ tiêm chủng cho mọi người từ 12 tuổi trở lên nếu đến cuối tháng 10 không đạt được tỷ lệ hơn 90% người trong độ tuổi này được tiêm. Đến ngày 15/9, Italia đã có 76% dân số trên 12 tuổi tiêm 2 mũi, 82% tiêm 1 mũi và theo số liệu ước đoán cả nước có khoảng 4,5 triệu người làm việc chưa có thẻ xanh.
Tất nhiên, trong xã hội vẫn có sự phản đối các biện pháp hạn chế này. Từ hơn 2 tháng nay, cứ thứ 7 hàng tuần lại có biểu tình phản đối thẻ xanh ở các thành phố lớn nhưng quy mô không bằng ở Pháp. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra xã hội học, khoảng 4/5 người được hỏi ủng hộ thẻ xanh và cũng có một tỷ lệ cao ủng hộ áp dụng nghĩa vụ tiêm chủng trong cả nước.
Quy tắc 3G trên toàn nước Đức
3G là viết tắt của 3 chữ Geimpfte (người đã tiêm chủng), Genesene (người đã khỏi bệnh) và negativ Getestete (người đã xét nghiệm có kết quả âm tính).
Theo quyết định của Chính phủ Liên bang sau khi thống nhất với các bang, từ ngày 23/8 áp dụng trên toàn nước Đức quy tắc 3G cho tiếp cận bệnh viện, nhà dưỡng lão, thẩm mỹ viện, cơ sở hỗ trợ người tàn tật, hiệu cắt tóc, khách sạn, nhà hàng và các cuộc tụ tập đông người như hội họp, thể thao trong nhà như bể bơi, phòng tập gym... Căn cứ vào quy tắc 3G, từng bang tự quyết định mức độ cụ thể của các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, Đức vẫn áp dụng quy tắc AHA + L: Giữ khoảng cách, rửa tay, đeo khẩu trang và thông gió trong nhà.
Từ ngày 7/9, số lượng người bệnh tại các bệnh viện là thước đo cơ bản cho các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là sự thay đổi cơ bản của luật Bảo vệ phòng chống dịch bệnh. Số lượng người nhiễm bệnh mới tính trên 100.000 dân trong 7 ngày, số lượng giường điều trị tích cực và số lượng người đã tiêm chủng cũng cần được coi là các tiêu chí quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch.
Đặc biệt, 14/16 bang sẽ áp dụng quy định thống nhất là học sinh nhiễm bệnh và chỉ học sinh ngồi cạnh trực tiếp sẽ phải cách ly. Sau 5 ngày nếu không có triệu chứng gì thì có thể cho xét nghiệm.
Từ ngày 11/10 sẽ chấm dứt việc xét nghiệm miễn phí cho người dân. Lập luận cơ bản cho quy định này là suốt một thời gian dài đã thực hiện việc xét nghiệm miễn phí và qua đó đã góp phần đáng kể vào phòng, chống dịch. Giờ đây, khi Chính phủ đã lo đủ vaccine cho tiêm chủng toàn dân thì không còn cần lãng phí tiền đóng thuế của dân vào việc xét nghiệm miễn phí như trước đây nữa.
Đan Mạch xóa mọi hạn chế về dịch
Từ tháng 9, Đan Mạch đã xóa bỏ mọi quy định, biện pháp có tính hạn chế ban hành trước đây. Có thể nói đây là kết quả của cả một quá trình phòng, chống dịch. Ngay từ đầu năm nay, học sinh đã được quay lại trường. Rồi sau đó, nhà hàng, quán bar được phục vụ các vị khách có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh hoặc đã xét nghiệm âm tính. Kế đến là cho phép mở cửa trở lại rạp chiếu phim, nhà hát, thẩm mỹ viện. Làm việc tại nhà dần bị bãi bỏ và tiếp theo là bỏ đeo khẩu trang bắt buộc.
Và giờ đây, Đan Mạch bãi bỏ toàn bộ các biện pháp còn lại - một điều đáng ngạc nhiên so với nhiều nước khác. Corona không còn bị coi là một “bệnh xã hội". Nếu coi là bệnh xã hội thì sẽ tạo điều kiện cho việc đưa ra các quy định nhất định, ví dụ như nghĩa vụ đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người...
Hiện tại, mọi người hoàn toàn vô tư đi xem bóng đá, đi quán bar, sàn nhảy mà không cần đến thẻ xanh nữa. Bà Lone Simosen, chuyên gia nghiên cứu về dịch bệnh tại Đại học Roskilde cho rằng: Dịch không hoàn toàn biến mất, nhưng chúng tôi có thể khống chế dịch. Chúng tôi chưa thể chấm dứt việc lây lan virus, nhưng đã có thể khống chế số người nhập viện và số người chết vì dịch.
Lý do chủ yếu là tỷ lệ tiêm chủng cao tại Đan Mạch. Hơn 96% người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng. Nước này có 350.000 người nhiễm bệnh, gần 2.600 có bệnh nền đã chết trong đại dịch. Với số dân là 5,8 triệu người, Đan Mạch là nước có tỷ lệ xét nghiệm khá cao: hơn 40 triệu lần xét nghiệm nhanh và PCR.
Thụy Điển tránh vung tiền vào những gói hỗ trợ tài chính tốn kém
Khi hàng triệu người khắp toàn cầu phải ở trong nhà, doanh nghiệp bị giám sát chặt chẽ, các trường học vật lộn khó khăn để duy trì hoạt động trong bối cảnh hàng loạt biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng với khoảng 10 triệu người Thụy Điển, 18 tháng qua (kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc Covid-19 vào tháng 2 năm ngoái) không có biến động quá lớn.
2/3 số người được hỏi không lo lắng về hậu quả của đại dịch với họ và gia đình, theo kết quả khảo sát do Cơ quan Bảo vệ dân sự thực hiện vào giữa tháng 6. Người dân đa số ủng hộ các chọn lựa của chính phủ. Chỉ ¼ số người được hỏi cho rằng nhà chức trách nên ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn là kinh tế. Điều đó không có nghĩa là virus không gây ảnh hưởng ở Thụy Điển: gần 15.000 người tử vong (khoảng 1.450/triệu người). Nhưng tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với toàn EU (1.684) cũng như thấp hơn Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Anh. Kết quả này không như nhiều người cẩn trọng cảnh báo.
Những lợi ích thực sự từ chính sách cấp tiến của Thụy Điển có thể nhìn thấy rõ, đó là về mặt kinh tế, tác động tâm lý và giáo dục.
Cuối làn sóng dịch đầu tiên vào năm ngoái, Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo, kinh tế Thụy Điển giảm 7% trong năm 2020 nhưng cuối cùng GDP nước này chỉ giảm 2,8% - thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU là 6% và của Anh là 9,8%. Bước sang 2021, kinh tế Thụy Điển hồi phục nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu. Vào tháng 6, GDP vượt mức trước khi đại dịch xảy ra và nền kinh tế ước tính tăng trưởng 4,6% năm nay.
Chính phủ Thụy Điển tránh vung tiền vào những gói hỗ trợ tài chính tốn kém. Thay vào đó, họ chi khoảng 4,2% GDP trợ cấp tiền lương và các biện pháp khác. Kết quả là vào năm 2020, nước này ghi nhận mức thâm hụt ngân sách thấp thứ hai ở EU (sau Đan Mạch). "Tài chính công ảnh hưởng tương đối nhẹ so với hầu hết các nước, có thể do chúng tôi sử dụng các biện pháp ít hà khắc hơn", Urban Hansson Brusewitz, lãnh đạo Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Thụy Điển cho biết.
Những tác động tâm lý vì đại dịch dường như cũng nhẹ nhàng hơn ở nước này. Theo Ủy ban Y tế và phúc lợi quốc gia, số người tìm kiếm việc điều trị chứng lo âu và trầm cảm tiếp tục giảm, nhất là ở trẻ em và thanh niên. Ngay cả ở trường trung học, chỉ học sinh có kết quả dương tính mới có yêu cầu ở nhà. Việc cách ly toàn bộ lớp học, trường học là rất hiếm và chỉ trong trường hợp ngoại lệ nếu bác sĩ về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo.
Bản phân tích của cơ quan giáo dục quốc gia Thụy Điển hồi tháng trước không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ học vấn của học sinh. "Thực tế là kết quả học tập vẫn ổn định, cả giáo viên và học sinh ứng phó tốt với đại dịch”, Peter Fredriksson - người phụ trách cơ quan này nói.
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí khoa học Nature gần đây, giáo sư Bhatt của Đại học Copenhagen và một số nhà nghiên cứu khác ước tính, nếu Anh áp dụng các chính sách của Thụy Điển, tỉ lệ tử vong vì Covid có thể cao hơn từ 2-4 lần. "Những gì Thụy Điển đã làm phụ thuộc vào hành vi và mức độ tuân thủ của dân số cũng như văn hóa đất nước”, giáo sư Bhatt nói.
Từ kinh nghiệm của các nước có thể thấy:
- Biện pháp quan trọng nhất là tiêm vaccine. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao là điều kiện quyết định để tạo miễn dịch cộng đồng, sống chung với Covid-19, để xóa bỏ nhiều hạn chế đối với đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các tiêu chí dựa vào đó để quyết định mức độ mở cửa, tức là mức độ các biện pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tỷ lệ tiêm chủng là yếu tố quyết định. Tiêu chí số lượng người nhiễm bệnh mới (tính theo ngày hoặc theo tỷ lệ trên 100.000 người trong 1 tuần...) không còn giữ vai trò quyết định nữa. Nhiều nước đã lấy tiêu chí người nhập viện, số giường bệnh tích cực, số người chết là những tiêu chí mới, quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch.
N.Chiến