Biến thể Lambda có thể kháng vaccine COVID-19
Bài viết của các chuyên gia y tế đăng trên tờ Metro, cho thấy biến thể Lambda có khả năng lây lan hơn các biến thể như Delta, Alpha và Gamma. Hơn thế nữa, biến thể này có thể kháng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện hành. “Dữ liệu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy những đột biến trong các gai protein của biến thể Lambda có thể né tránh được các kháng thể do vaccine tạo ra và gia tăng khả năng lây nhiễm”, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chile nhận định.
Biến thể Lambda chiếm tới 82% số ca mắc COVID-19 trong tháng 5 và tháng 6 tại Peru – quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại quốc gia Chile láng giềng, biến thể này cũng gây ra gần 1/3 số ca mắc gần đây.
Biến thể Lambda, trước đó được biết đến với tên gọi C.37, lần đầu tiên được phát hiện tại Peru vào cuối năm 2020. Kể từ đó đến nay, nó đã có mặt tại 27 quốc gia, bao gồm Anh.
Hồi tháng 6, WHO liệt kê Lambda là biến thể thứ 7 trong danh sách “các biến thể đáng quan tâm”. WHO cho rằng những biến thể trong danh sách này không đáng lo bằng 4 biến thể thuộc nhóm “quan ngại” – bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta lần lượt được tìm thấy tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Tuy nhiên, WHO cho biết họ vẫn cần phải quan sát thêm.
Lambda là một biến thể gồm bảy đột biến có trong gai protein mà virus sử dụng để lây nhiễm tế bào trong cơ thể người. Trong số 7 đột biến, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến đột biến L452Q, tương tự như đột biến L452R được cho là góp phần vào khả năng lây nhiễm cao của biến thể Delta.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, người đứng đầu WHO lưu ý biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Theo ông, biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.
Người đứng đầu WHO cho rằng cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.
Ngoài ra, ông Ghebreyesus cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Để đạt được điều này, các nước cần giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19, máy thở, thuốc men và các xét nghiệm, đồng thời tăng tốc độ tiêm chủng. Ông khẳng định đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch COVID-19, cứu sống, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu và ngăn chặn sự gia tăng của các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Theo người đứng đầu WHO, hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Đ. Linh