Cần phối hợp hài hòa giữa quản lý và chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy
Chất kích thích ATS – Thực trạng cung cầu và dự phòng, điều trị cho người sử dụng |
Hai báo cáo tại Tọa đàm nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan chức năng Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Đó là:
1-“Sáng kiến về điều trị và chăm sóc rối loạn sử dụng ma túy dành cho người liên quan đến hệ thống tư pháp hình sự: các giải pháp thay thế cho kết án hoặc xử phạt” do bà Sanita Suhartono – chuyên gia toàn cầu về điều trị ma túy và tái hòa nhập của UNODC trình bày;
2-“Cơ hội chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy tại Việt Nam” do TS Nguyễn Thu Trang – Trung tâm đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất&HIV thuộc Đại học Y Hà Nội trình bày.
Ảnh: Lê Hồng Hải |
Bà Sanita nhấn mạnh nguyên tắc chính cho điều trị hiệu quả là Tăng cường điều trị rối loạn sử dụng ma túy thông qua phối hợp hiệu quả giữa hệ thống tư pháp hình sự và các dịch vụ y tế, trong đó, quan niệm rối loạn sử dụng ma túy là vấn đề về sức khỏe hơn là hành vi phạm tội. Bà cũng giới thiệu về chương trình xây dựng hệ thống ATI mà bản chất là coi điều trị như một biện pháp thay thế cho hệ thống tư pháp hình sự đối với rối loạn sử dụng ma túy. Chương trình ATI có thể sẽ được công bố vào tháng 3/2025, và Việt Nam sẽ là một địa chỉ thử nghiệm ATI, triển khai điều trị như một biện pháp thay thế.
Trong khi đó, báo cáo của TS Nguyễn Thu Trang về mô hình chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy (NSDMT) tại cộng đồng ở Việt Nam lại đề cao vai trò của Công an trong việc phát hiện, quản lý NSDMT tại cộng đồng cũng như tại các cơ sở cai nghiện tập trung, thậm chí là trại giam đối với những NSDMT vi phạm pháp luật và kể cả NSDMT sau cai nghiện trở về hòa nhập cộng đồng. Điều này đã được chứng minh trong thực tế. Tất nhiên, ở mọi thời điểm, mọi nơi chốn trong cuộc đời của NSDMT thì trách nhiệm quản lý và tạo cơ hội cho họ tiếp cận với chăm sóc điều trị (cơ quan y tế) không chỉ thuộc về Công an, mà là sự chung tay của gia đình và toàn xã hội.
Ảnh: Lê Hồng Hải |
Tuy việc nhấn mạnh vai trò của từng cơ quan chức năng trong việc quản lý và chăm sóc điều trị NSDMT là khác nhau nhưng tất cả các bên quan tâm đều nhất quán một quan điểm mang tính khoa học và cũng rất nhân văn, đó là: Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, cho nên điều trị nghiện ma túy phải là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội để làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép (như QĐ 2596 của TTCP). Về nguyên tắc, NSDMT trước hết phải coi là một người bệnh và họ phải được tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp. Tổ chức Liên hợp quốc cũng từng có các nguyên tắc tiêu chuẩn về các biện pháp không giam giữ (nguyên tắc Tokyo), về việc điều trị cho phụ nữ bị giam giữ và các biện pháp không giam giữ cho phụ nữ (nguyên tắc Bangkok), về điều trị cho phạm nhân (nguyên tắc Nelson Mandela). Với NSDMT, giam giữ chỉ là biện pháp cuối cùng, quan trọng nhất là phải tạo cơ hội cho họ được tiếp cận với các dịch vụ y tế phù hợp.
Phát biểu tại tọa đàm, BS Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AID cho rằng, cần suy nghĩ đến các giải pháp phối hợp giữa Công an và Y tế, làm sao để nhận diện sớm về NSDMT ở thời điểm vàng để có thể điều trị nhanh chóng và hiệu quả; làm cho nhiều NSDMT được dùng chất thay thế (như Metadone). Trong việc quản lý, chăm sóc và điều trị NSDMT thì bên canh việc lấy cộng đồng làm trung tâm, phải có 3 lực lượng nòng cốt cho “3 giảm”: Ngành LĐ-TBXH lo giảm cầu, ngành Công an lo giảm cung, ngành Y tế lo giảm hại. Giam giữ bắt buộc vấn là biện pháp cần thiết đối với một bộ phận NSDMT đặc thù, bởi nguy cơ ma túy luôn tiềm ẩn ở khắp mọi nơi, mọi thời điểm, nhất là ma túy tổng hợp. Việt Nam cũng cần thành lập Nhóm chuyên gia liên ngành về quản lý, chăm sóc, điều trị cho NSDMT bên cạnh Liên minh toàn cầu về phòng chống ma túy.
Ảnh: Lê Hồng Hải |
Kết luận tọa đàm, bà Sanita Suhartono cho rằng: Mục tiêu chung của chúng ta là xây dựng giải pháp thay thế để NSDMT được tiếp cận chăm sóc và điều trị, can thiệp sớm và sáng kiến Nhóm chuyên gia liên ngành là cơ hội để chương trình ATI hoạt động toàn diện và hiệu quả và lưu ý để NSDMT có trải nghiệm sống được tham gia nhóm này. Cần xây dựng khung chính sách hoàn chỉnh cho việc quản lý, chăm sóc, điều trị NSDMT; xây dựng một đội ngũ có năng lực trong cả 3 lực lượng nòng cốt, đặc biệt quan tâm đến lực lượng cộng tác viên tại cộng đồng, đào tạo tập huấn để họ thực hiện tốt nhiệm vụ. Tới đây, Việt Nam cũng cần có khảo sát kỹ hơn về thực trạng sàng lọc và điều trị cho NSDMT, đưa ra các giải pháp phù hợp, chuyển làn chuyển hướng từ các cơ quan làm dịch vụ đến NSDMT. “Sáng kiến ScaleUp của UNODC sẽ giúp chúng ta triển khai các việc này” – bà Sanita Suhartono nhấn mạnh.