Cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron vào dịp lễ, Tết
TP. HCM phát hiện biến thể XBB, chưa ghi nhận XBB.1.5 của Omicron.
Trước đó ngày 4/1, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) nhận được thông báo kết quả giải trình tự gene từ Tổ chức Oucru (đơn vị nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại học Oxford, Anh). Tổ chức này đã phát hiện 3/52 mẫu phết họng (từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM) có biến thể XBB trong tháng 12/2022. Theo kết quả này, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.
Hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn TPHCM (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp với Viện Pasteur TPHCM thực hiện) cũng đã ghi nhận 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11/2022, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.
Tuy nhiên, cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP. HCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5. Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện tại Singapore, Ấn Độ… Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ học, sự xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron là không ngoài dự báo. Do đó, việc thông tin cho người dân về những biến thể này cần sự chính xác để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể XBB và biến thể phụ XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.
Theo công bố mới nhất của WHO, biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia (Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc,…). Tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Điều quan trọng là việc tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron. Tại thời điểm tháng 9/2022, nhờ chiến lược tiêm vaccine bao phủ toàn dân, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 tại TP. HCM đạt 98,7%.
Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vaccine sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm, hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định. Hiện nay, Sở Y tế TP. HCM vẫn tổ chức nhiều điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các điểm tiêm cố định trong cộng đồng, tại các bệnh viện và đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 xuyên Tết Quý Mão.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bằng cách mỗi người dân và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) đi tiêm vaccine phòng Covid-19 nếu chưa tiêm và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.
Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù tỉ lệ tiêm vaccine chung của nước ta đạt cao, nhưng hiện vẫn có một số địa phương có tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và cho trẻ còn thấp. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đặc biệt các địa phương có cửa khẩu cần đẩy nhanh tiêm chủng, cố gắng trong 2 tuần đầu tháng 1/2023, các tỉnh, thành phố đang tiêm chậm, thấp, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời, các địa phương khuyến khích người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2023 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác. |
MẠNH HIỆP