Cảnh báo sức khỏe bị ảnh hưởng khi không khí ô nhiễm
Không khí ô nhiễm tồn tại xung quanh chúng ta và rất khó để tránh khỏi, kể cả đối với những người đang sống ở những khu vực phát triển. Nồng độ khói bụi nhìn thấy được trong không khí không thể phản ánh được mức độ trong lành của môi trường sống. Trên khắp thế giới, môi trường ở cả thành phố hay vùng quê đều có các chất ô nhiễm độc hại trong không khí vượt quá giá trị chất lượng không khí trung bình WHO khuyến nghị.
Hôm nay, nhiều trạm quan trắc ở Hà Nội hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu hoặc nguy hại. Theo AirVisual, chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm nay tại thành phố cao gấp 8,5 lần chỉ số chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hệ thống tổng hợp ô nhiễm không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 4 trên thế giới với chỉ số tổng hợp 199. Trang Pam Air cũng ghi nhận nhiều nơi có chất lượng không khí rất xấu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mọi người. Tương tự, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đánh giá chất lượng không khí đang có xu hướng diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng ghi nhận ô nhiễm không khí ở Thủ đô và các tỉnh miền Bắc có thể kéo dài đến ngày 30/11.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Kết quả đo chất lượng không khí tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận chỉ số AQI là 225 - tương đương mức rất xấu, ảnh hưởng đến tất cả người dân.
16 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy 7 trạm hiển thị AQI ở mức xấu (151-200), 7 trạm khác ở mức kém (101-150), hai trạm ở mức trung bình (51-100) và không có trạm ghi nhận ở mức tốt (0-50).
Trong đó, trạm đo ở đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) có AQI cao nhất 194, mức tiệm cận rất xấu; trạm đo ở 36 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) ghi nhận kết quả 184.
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa, khô hanh khiến bụi phát tán trong phạm vi rộng.
Bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng hệ hô hấp bị ảnh hưởng nặng nhất, ngoài ra còn có da, mắt... Khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Chúng còn đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp. Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính.
Năm 2022, một nghiên cứu từ Đại học Chicago, Mỹ, cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn hai năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) khuyến cáo tiếp xúc liên tục với 10 µg/m³ PM2.5 sẽ làm giảm khoảng một năm tuổi thọ.
WHO nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.
Các địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn thải, che chắn các công trình xây dựng để không phát tán bụi ra môi trường. Người dân không đốt rơm rạ, xả chất thải ra ngoài khiến ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Đeo khẩu trang phù hợp khi ra ngoài trời, khẩu trang rất tốt để sử dụng nếu không khí đặc biệt kém vào bất kỳ ngày nào, nhưng chúng không bảo vệ hoàn toàn khỏi không khí bị ô nhiễm. Khẩu trang công nghiệp được cho là hiệu quả nhất, nhưng ngay cả những loại cơ bản nhất cũng có thể lọc ra các hạt lớn hơn như bụi. Một số mặt nạ được ký hiệu là N-95 hoặc P-100 và có thể đi kèm với mặt nạ phòng độc dùng một lần.
Tránh các hoạt động ngoài trời khi có nhiều ô nhiễm, tránh tập thể dục bên ngoài. Sử dụng máy tập thể dục hoặc vận động trong các phòng tập thể dục khi chất lượng không khí kém.
Chế độ ăn uống lành mạnh, một chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau, quả hạch, các loại đậu và chất béo lành mạnh có thể giúp bảo vệ chống lại một số tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí. Đảm bảo rằng bạn đang tiêu thụ đủ lượng vitamin được khuyến nghị để khả năng miễn dịch của bạn phát triển mạnh mẽ hơn.