Chuyên gia: 'Vaccine Covid-19 hiệu quả trước biến chủng Omicron'
"Dựa trên những hiểu biết về cách biến chủng đáng lo ngại phản ứng với vaccine, chúng tôi cho rằng vaccine vẫn hiệu quả cao, có khả năng bảo vệ mạnh mẽ", giáo sư Salim Abdool Karim, cố vấn chính phủ trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, nói.
Ngăn ngừa triệu chứng nặng là chức năng của tế bào T (tế bào miễn dịch), khác với khả năng bảo vệ người dùng khỏi lây nhiễm ban đầu của kháng thể.
"Ngay cả khi virus có thể trốn tránh miễn dịch, rất khó để thoát khỏi tế bào T", ông Karim nói.
Tuy nhiên, giáo sư Karim thừa nhận còn quá sớm để biết liệu Omicron có dẫn đến các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn trước đó hay không. Virus có vẻ dễ lây lan và nhiều khả năng ảnh hưởng đến người đã tiêm chủng hoặc nhiễm nCoV trước đó.
Các hãng dược cũng chờ đợi dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng, xem liệu vaccine có tạo đủ kháng thể trung hòa chống biến thể mới hay không. Nếu mức kháng thể vẫn cao, vaccine hiện có đủ sức bảo vệ người dùng chống biến chủng mới. Chuyên gia dự kiến thu được dữ liệu từ thử nghiệm về tác động thực tế của biến chủng vào khoảng giữa tháng 12.
Đến nay, biến chủng chưa gây ra quá nhiều ca nhiễm nCoV nghiêm trọng. Đây là một tin tốt, theo ý kiến của các nhà khoa học. Các loại vaccine hiện nay vẫn bảo vệ tốt người dùng khỏi triệu chứng xấu nhất, dù kém hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm.
Việc Nam Phi phát hiện ra biến chủng Omicron gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhiều quốc gia áp đặt hạn chế du lịch vì lo ngại virus lây lan nhanh chóng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/11 nhận định có thể biến chủng sẽ khiến số ca nhiễm toàn cầu tăng cao. Dù vậy, các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để đánh giá khả năng né tránh miễn dịch của virus. Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết Nam Phi đang làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cơ sở y tế, đối phó với biến chủng mới.
Chuyên gia Nam Phi cho rằng vaccine COVID-19 vẫn hiệu quả với siêu biến chủng Omicron. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, ngày 27/11, WHO xếp Omicron vào nhóm ‘biến chủng đáng lo ngại'. Omicron mang một số đột biến gene khiến nó bám dính vào tế bào dễ dàng hơn, thậm chí gây bệnh ở cả người đã tiêm chủng.
Theodora Hatziioannou, chuyên gia virus tại Đại học Rockefeller ở New York, cho rằng các đột biến của Omicron phát triển lần đầu bên trong người suy giảm miễn dịch. Thay vì bị loại bỏ trong vài ngày, virus tồn tại ở cơ thể bệnh nhân hàng tháng, học cách thích nghi và trốn tránh kháng thể. Omicron có nhiều đột biến ở các vùng tương tự protein S. Bà Hatziioannou cho rằng các đột biến chồng chéo này "khá ấn tượng".
Các nhà khoa học đồng tình cần theo dõi khẩn cấp biến chủng, song cũng cho rằng cộng đồng không nên quá hoang mang. Một số biến chủng như Delta thực sự nguy hiểm, song số khác (như Mu, Beta) cuối cùng lây lan hạn chế, không quá đáng ngại.
Thuỳ Chi