Công ty Toàn Minh và Công ty Tân Sơn (Thanh Hóa): Vi phạm về môi trường, đất đai tại mỏ đá
Khai thác khoáng sản là một hoạt động quan trọng trong ngành công nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản nói chung khai thác đá nói riêng nếu không tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động và sức khỏe cộng đồng.
Để minh chứng cho vấn đề trên, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã thực hiện Chuyên đề: “Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản”. Chuyên đề đi sâu vào thực tiễn tại một số mỏ đá trên địa bàn xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã có nhiều ngày ghi nhận thực tế tại mỏ đá của Công ty cổ phần Toàn Minh (Công ty Toàn Minh) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân Sơn (Công ty Tân Sơn).
Công ty Toàn Minh tập kết đá, máy móc hoạt động tại khu vực hành lang đường giao thông liên xã, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại mỏ đá xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc |
Thời điểm ghi nhận, phóng viên nhận thấy Công ty Toàn Minh và Công ty Tân Sơn đang tập kết nhiều khối đá nằm tràn lan, cùng với đó là hoạt động của các máy xúc ở khu vực hành lang đường liên xã, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên trong mỏ đá, một số công trình, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo theo Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt hai đơn vị chưa tiến hành lắp đặt trạm cân theo quy định.
Trước những dấu hiệu vi phạm trong khai thác khoáng sản của 2 Công ty trên, phóng viên đã thông tin cho ông Mai Xuân Tùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vĩnh Lộc. Ông Tùng cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra và thông tin lại sau.
Công ty Tân Sơn chưa lắp đặt trạm cân, tập kết khoáng sản ngoài khu vực mỏ được cấp phép |
Ngày 29/8/2024, UBND huyện Vĩnh Lộc có Văn bản số 3212/UBND-TNMT về việc khẩn trương khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, với nội dung: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có ý kiến chỉ đạo UBND xã Vĩnh An phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện để kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung phản ánh tại Công văn số 2957/UBND-TNMT ngày 13/8/2024 và Công văn số 2983/UBND-TNMT ngày 14/8/2024.
Kết quả cho thấy: Đối với Công ty Toàn Minh, Công ty hiện có xây dựng một nhà tạm bằng tôn với diện tích khoảng 10 m2 và tập kết một số đá khối, máy móc tại khu vực hành lang đường giao thông liên xã (giáp ranh với khu vực khai thác mỏ); Công ty chưa lắp đặt trạm cân theo phương án được phê duyệt; đối với các công trình bảo vệ môi trường, Công ty đã có hệ thống hố lắng nhưng chưa đảm bảo về thể tích theo như thiết kế; chưa xây dựng rãnh thu gom nước xung quanh khu vực khai thác.
Riêng Công ty Tân Sơn, Công ty có tập kết đất, đá khối tại khu vực hành lang đường giao thông liên xã (giáp ranh với khu vực khai thác mỏ); Công ty chưa lắp đặt trạm cân; đối với các công trình bảo vệ môi trường, Công ty đã có hệ thống hố lắng nhưng chưa đảm bảo về thể tích theo như thiết kế; chưa xây dựng hệ thống rãnh thu gom nước xung quanh khu vực khai thác.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, ông Trịnh Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Sau khi nhận được thông tin của phóng viên, tôi đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá của Công ty Toàn Minh và Công ty Tân Sơn, xã Vĩnh An. Kết quả cho thấy 2 đơn vị này để tồn tại một số vi phạm trong khai thác như chưa lắp đặt trạm cân, tập kết đá ra ngoài phạm vi mỏ... Để chấn chỉnh tình trạng trên, lãnh đạo UBND huyện đã giao cho UBND xã Vĩnh An giám sát, đôn đốc đơn vi khắc phục các vi phạm trước ngày 30/9/2024.
Được biết, ngày 5/3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 38/GP-UBND cho Công ty Toàn Minh với diện tích mỏ 30.666,4 m2, mức sâu khai thác đến cos +20, công suất khai thác 15.000m3/năm, thời hạn 14 năm 6 tháng. Đối với Công ty Tân Sơn, ngày 6/2/2020 được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 32/GP-UBND với diện tích mỏ 33.247 m2, mức sâu khai thác đến cos +20, công suất khai thác 15.000m3/năm, thời hạn 23 năm 01 tháng.
Công trình bảo vệ môi trường của Công ty Tân Sơn chưa đảm bảo theo Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường |
Đáng chú ý, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu 02 Công ty thường xuyên thực hiện việc kiểm soát các khu vực khai thác, chế biến, các công trình phụ trợ và các khu vực khác có liên quan; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn, trật tự mỏ theo quy định của pháp luật; trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng tại khoản 2, Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh, phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Tạp chí Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.