Dinh dưỡng với người bệnh
Thực phẩm phù hợp
|
Theo bác sĩ CK2 Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì: “Dinh dưỡng không phù hợp khiến cơ thể suy kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị. Nhiều người cứ cho rằng có bệnh thì chỉ uống thuốc và bệnh nặng lên là do nó phải như thế, mà không ý thức điều chỉnh bữa ăn hợp lý để cải thiện tình trạng bệnh tật”. Theo bác sĩ, ngay cả việc bồi dưỡng cũng cần phải hợp lý, phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý, khả năng hấp thụ của cơ thể.
“Rau xanh, trái cây là thực phẩm “lành” nhất, được khuyến khích tiêu thụ trong khẩu phần ăn hằng ngày; nhưng với một số bệnh lý, rau quả cũng cần được lựa chọn phù hợp. Ví dụ, người suy thận cần tránh một số rau quả chứa hàm lượng kali cao; nên ăn rau cải, bí xanh vì ít đạm; nên hạn chế rau muống vì lượng đạm cao hơn”, bác sĩ Kim Liên cho biết.
Với chất đạm (protit) người suy thận cần được hướng dẫn ăn phù hợp để giảm nguy cơ tăng ni tơ máu vì ni tơ do các nguồn protit sinh ra. Khi ni tơ máu tăng cao có thể gây hội chứng thần kinh: mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, lơ mơ, vật vã.
“Hoặc với người có bệnh đái tháo đường, cần ăn kiêng để duy trì đường huyết ổn định, nhưng ăn kiêng quá mức dẫn đến hạ đường huyết cũng rất nguy hiểm”, bác sĩ Kim Liên lưu ý. Theo bác sĩ, nhiều người quan niệm đái tháo đường là tránh xa hoa quả ngọt, không ăn cơm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, người mắc đái tháo đường vẫn có thể ăn trái cây ngọt như: dưa hấu, nhãn, vải; vẫn ăn cơm tuy nhiên cần được hướng dẫn về lượng ăn vào phù hợp và cần được chia nhỏ để tránh đường huyết tăng cao đột ngột.
Với bệnh nhân xơ gan, cần bổ sung dinh dưỡng phù hợp, hạn chế các chất chuyển hóa ở gan để giúp cho gan được nghỉ ngơi, giảm tải.
Tăng cường bác sĩ dinh dưỡng
Theo PGS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai: “Để có kết quả trong điều trị, bên cạnh kê đơn thuốc kết hợp với chế độ ăn bệnh lý, bác sĩ dinh dưỡng thường xuyên đi cùng bác sĩ điều trị, cùng theo dõi diễn biến bệnh để có thực đơn hợp lý cho bệnh nhân”.
“Thể trạng bệnh nhân được cải thiện, chế độ dinh dưỡng hợp lý và điều kiện chăm sóc tốt giúp nâng cao khả năng chống đỡ với bệnh tật”, PGS-TS Nguyễn Gia Bình cho biết. Tại Khoa Điều trị tích cực, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm loét da, cơ do nằm lâu ngày từ chỗ 60 - 70% nay đã giảm hẳn, hầu như không còn. Với bệnh nhân viêm tụy cấp nặng, tỷ lệ tử vong từ 50% trong những năm trước hiện giảm xuống 10 - 12%.
“Chúng ta đã chú trọng giảm suy dinh dưỡng trong cộng đồng nhưng lại chưa chú trọng đến dinh dưỡng cho người bệnh. Khoảng 70% bệnh viện chưa có khoa dinh dưỡng hoặc khoa dinh dưỡng không có nhân lực chuyên môn. Một số chuyên khoa có 60 - 65% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng”, PGS-TS Nguyễn Gia Bình nhận xét.
TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết năm 2013 lần đầu tại Việt Nam đã mở ngành đào tạo cử nhân dinh dưỡng thuộc Đại học Y Hà Nội. Các chuyên gia Nhật Bản sẽ tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành. Cử nhân dinh dưỡng có nhiệm vụ xây dựng chế độ ăn bệnh lý trong bệnh viện.
“Chế độ ăn phù hợp hỗ trợ điều trị, đồng thời có vai trò dự phòng một số bệnh mạn tính đang gia tăng như: béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp”, TS Nguyễn Công Khẩn nhấn mạnh.
Nam Sơn
thanhnien online