Đông Nam Á tìm cách sống chung với Covid-19
Theo Bloomberg, từ các nhà máy ở Malaysia hay các tòa nhà văn phòng ở Singapore đến các tiệm cắt tóc ở Philippines, giới chức các nước này đang rục rịch kế hoạch mở cửa trở lại, tìm cách cân bằng giữa chống dịch và duy trì sinh nhai cho người dân. Điều này dẫn đến các biện pháp thử nghiệm như điều quân đội hỗ trợ cung cấp lương thực, hay cho phép công nhân làm việc và cách ly ngay tại nhà máy, phong tỏa từng phần hay chỉ cho phép những người đã tiêm chủng được đến nhà hàng, văn phòng.
Trái với Mỹ và châu Âu - những nơi đã dần dần mở cửa trở lại, ở Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 vẫn còn ở mức thấp khiến các nước này dễ bị tổn thương hơn trước sự lây lan của biến chủng Delta. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình ngân sách công ngày vốn căng thẳng sau các đợt kích thích ở những làn sóng trước, biện pháp phong tỏa dường như không còn khả thi.
Việc nhiều nhà máy ở Đông Nam Á phải ngừng hoạt động, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất như Toyota Motor phải cắt giảm sản xuất trong khi hãng bán lẻ thời trang Abercrombie & Fitch cảnh báo tình hình đang "vượt kiểm soát". Ở Singapore và Philippines, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều trở ngại trong lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh dài hạn do các biện pháp hạn chế.
Giới chức các nước Đông Nam Á ngày càng lo ngại rằng, nếu kéo dài các biện pháp hạn chế quá lâu, nền kinh tế sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Malaysia đã hạ một nửa dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 3-4% khi số ca Covid-19 tăng mạnh, trong khi hy vọng phục hồi kinh tế nhờ du lịch của Thái Lan cũng nhanh chóng phai nhạt.
Theo các chuyên gia, kể cả những nước có triển vọng kinh tế lạc quan hơn như Singapore, Việt Nam, thì áp lực giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung và tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày càng tăng.
Ông Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp, nói rằng các nền kinh tế Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các đợt phong tỏa và tâm lý mệt mỏi của người dân.
Thái Lan đang trong quá trình chuẩn bị cho việc sống chung với Covid-19, với các kế hoạch sơ bộ được vạch ra để nới lỏng một số hạn chế và mở cửa biên giới cho những du khách đã tiêm chủng, ngay cả khi các ca nhiễm mới vẫn ở mức khoảng 20.000 người mỗi ngày.
Theo Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, Thái Lan đã thông qua việc thay đổi chiến lược của đất nước, chuyển sang "học cách sống chung với Covid-19" và công nhận bản chất đặc hữu của virus. Theo quan chức này, trọng tâm trong tương lai sẽ là ngăn chặn số ca nhiễm vượt quá khả năng của hệ thống y tế Thái Lan, với các biện pháp chính bao gồm tiêm chủng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và truy vết ca nhiễm nhanh hơn, với giả định rằng tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh và lây nhiễm. Các đề xuất sơ bộ bao gồm nới lỏng một số quy định vào tháng 9 và nhân rộng mô hình mở cửa hoạt động du lịch vào tháng 10 dựa trên một dự án thử nghiệm ở Phuket.
Thái Lan từng được xem là câu chuyện thành công vào thời kỳ đầu của đại dịch. Khi đó, Thái Lan ghi nhận tương đối ít ca nhiễm mặc dù họ là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc phát hiện người mắc Covid-19.
Sự tự tin ban đầu về khả năng kiểm soát đại dịch là một trong những lý do khiến chính phủ Thái Lan chậm đảm bảo nguồn cung vaccine và tăng cường tiêm chủng. Sau đó, một loạt sai sót trong chương trình tiêm chủng của Thái Lan đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine ngay cả khi biến chủng Delta xuất hiện. Điều này khiến các ca nhiễm tăng không ngừng tại Thái Lan kể từ tháng 4 đến nay.
Ông Karnkawinpong cho rằng việc xác định được đỉnh dịch sẽ cho phép một số hạn chế được nới lỏng. Theo giới chức y tế Thái Lan, dữ liệu mới nhất về số ca dương tính, kết quả xét nghiệm, bệnh nhân đang điều trị tích cực và mô hình lây lan cho thấy dịch đã đạt đỉnh. Thái Lan ngày 23/8 ghi nhận hơn 17.400 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất trong một ngày kể từ ngày 30/7, so với mức trung bình hơn 20.000 ca nhiễm mới hàng ngày của cả tháng.
Hiện tại, các tỉnh và thành phố, nơi sinh sống của hơn 40% dân số Thái Lan và tạo ra hơn 3/4 GDP, đang bị hạn chế nghiêm ngặt. Chính quyền đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh "không thiết yếu", hạn chế đi lại giữa các tỉnh và áp lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.
Khoảng 8% dân số cả Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng được ghi nhận cao hơn ở các khu vực đã mở cửa trở lại theo chương trình du lịch đặc biệt, bao gồm cả đảo Phuket, và những nơi có dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, bao gồm cả thủ đô Bangkok.
Ông Karnkawinpong nói rằng việc Phuket mở cửa trở lại vào ngày 1/7 cho khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ cho thấy, nếu tình hình có thể được kiểm soát, các hoạt động kinh tế vẫn có thể được đẩy mạnh và người dân có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày.
Chính phủ Thái Lan gần đây đã lên kế hoạch cấp "Thai Covid Pass" (giấy thông hành Covid-19) cho những người đã tiêm chủng, cho phép họ tiếp cận một số địa điểm bao gồm các nhà hàng.
Tại Indonesia, giới chức nước này đang tập trung củng cố các quy định như đeo khẩu trang thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại. Họ cũng đưa ra "bản đồ đi lại" ở những khu vực nhất định như văn phòng, trường học để vạch ra các quy định dài hạn trong một trạng thái bình thường mới.
Tại Singapore và Malaysia, giới chức chuyển hướng quan tâm đến số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 hơn là số ca nhiễm hàng ngày sau khi đẩy nhanh tiêm chủng. Hiện Singapore đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 80% dân số, tỷ lệ này ở Malaysia là hơn 50%.
Tại Philippines, giới chức nước này đang xem xét áp dụng biện pháp kiểm soát đi lại tại từng khu vực cụ thể tùy vào tình hình Covid-19. Ví dụ, người dân ở các điểm nóng bùng phát có thể bị hạn chế ra khỏi nhà.
Ở Jakarta (Indonesia), chỉ những người có giấy chứng nhận tiêm chủng mới được vào các siêu thị, nhà thờ. Ở Singapore, các nhà hàng đều phải kiểm tra tình trạng tiêm chủng của thực khách. Ở Manila (Philippines), chính quyền đang xem xét áp dụng "bong bóng vaccine", cho phép những người đã tiêm chủng đầy đủ đến các địa điểm công cộng hay sử dụng phương tiện công cộng.
L.Đức