Ea Kar - Đắk Lắk: Cần giải quyết triệt để nạn cát tặc lộng hành tại xã Ea Sô
Khúc sông các đối tượng đang tổ chức khai thác cát trái phép |
Theo phản ánh của người dân, phóng viên tạp chí Sức khỏe & Môi trường đã đến xã Ea Sô huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận tình trạng khai thác cát trái phép.
Nạn khai thác cát trái phép ở xã Ea Sô diễn ra phức tạp và kéo dài nhiều năm qua, không những làm thất thoát tài nguyên mà còn gây ra ô nhiễm môi trường, bụi bặm, ồn ào và đường giao thông hư hỏng.
Hai bè hút cát trái phép tại thôn 4, xã Ea Sô |
Tại hiện trường, hai bè hút cát đang hoạt động, các loại ống hút đang hút cát. Xe ô tô tải hiệu Kamaz BKS 47C-278.05 đã hết thời hạn đăng kiểm được dùng để vận chuyển cát tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Xe tải dùng để vận chuyển cát |
Cát được bơm trực tiếp từ bè hút lên xe tải rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Người dân ở đây cho biết, hàng ngày xe chở cát trái phép vẫn ngang nhiên chay trên đường nhưng không bị xử lý.
Lãnh đạo UBND xã Ea Sô đến hiện trường sau phản ánh của phóng viên |
Sau khi ghi nhận về việc khai thác cát trái phép tại thôn 4, phóng viên đã đề nghị chính quyền xã Ea Sô cần có biện pháp xử lý đối với người, máy móc, phương tiện tham gia khai thác cát trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
Theo phản ánh của phóng viên, UBND xã Ea Sô đã phối hợp với lực lượng chức năng huyện Ea Kar đã đến hiện trương kiểm tra và đưa các phương tiện phục vụ khai thác cát trái phép về Công an huyện Ea Kar để xử lý.
Phóng viên tạp chí Sức khỏe & Môi trường ghi nhận tại hiện trường |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hữu – Chủ tịch UBND xã Ea Sô cho biết: Địa phương rất quan tâm đến khu vực thôn 4 vì ở đây có trữ lượng cát lớn, địa bàn cách xa trung tâm nên khó kiểm soát. Năm 2023 đã lắp đặt hệ thống camera an ninh đầu đường vào khu vực đó để theo dõi. Tuy nhiên do hệ thống đóng camera nhiều tiền, địa phương không đảm bảo việc chi trả nên đã bị cắt. Lợi dụng việc đó, các đối tượng đã đưa máy móc vào khai thác cát trái phép.
Lực lượng chức năng đưa tang vật về để tiến hành xử lý |
Thực tế cho thấy, xe chở cát trái phép ngang nhiên chạy cả ngày và từ trụ sở UBND xã Ea Sô đến điểm khai thác cát chỉ vài cây số nếu các cơ quan chức năng quan tâm quản lý chặt chẽ thì dù không có camera giám sát thì nạn khai thác cát trái phép sẽ không diễn ra một cách ngang nhiên, môi trường không bị phá hủy.
Chính quyền xã Ea Sô đã làm tốt công tác quản lý địa bàn? |
Đã đến lúc chính quyền và các lực lượng chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt và có chế tài đối với việc khai thác cát trái phép để tránh thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Căn cứ khoản 1 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau: + Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10 m3; + Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3; + Từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3; + Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 30 m3 đến dưới 40 m3; + Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40 m3 đến dưới 50 m3; + Từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên. |