F0 cách ly tại nhà, cần chuẩn bị những thuốc gì?
Chuẩn bị những thuốc gì?
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nên chuẩn bị một số thuốc cần thiết khi cách ly F0 tại nhà. Các loại thuốc này gồm: Nước sát khuẩn tay, nước muối sinh lý súc họng, một số thuốc thiết yếu (thuốc hạ sốt, thuốc ho, một số thuốc nâng cao sức khỏe như multivitamin, vitamin C hoặc một số thuốc đông dược...).
Ưu tiên việc lấy mẫu xét nghiệm tại nhà để tránh lây nhiễm chéo cộng đồng
Với các F0 không có triệu chứng
Cần sử dụng các biện pháp sát khuẩn chung, đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, cụ thể như sau:
Nước sát khuẩn tay: Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…
Nước súc họng: Súc miệng họng thường xuyên bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường hoặc nước muối sinh lý 0,9 %.
Ngoài ra, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý. Nên nhớ, tuyệt đối không tự ý pha nước muối hay dùng nước muối ưu trương để súc họng hay nhỏ họng.
Việc sử dụng loại nước này sẽ gây tổn thương thêm tế bào niêm mạc mũi họng dẫn tới dễ gây loét và bội nhiễm thêm vi khuẩn khác.
Vitamin: Có thể bổ sung vitamin qua thực phẩn hoặc uống một số chế phẩm multivitamin hay vitamin C để tăng sức đề kháng.
Lưu ý, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tập thể dục và giữ tâm lý thoải mái là những bài thuốc cực kỳ hữu hiệu cho các F0 không có triệu chứng.
Với các F0 có triệu chứng nhẹ
Các F0 triệu chứng nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ… có thể sử dụng tại nhà một số thuốc điều trị triệu chứng:
Thuốc hạ sốt, giảm đau: Uống khi sốt cao (≥ 38,5oC) hoặc đau người nhiều. Có thể sử dụng các thuốc có chứa paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen). Liều dùng 10-15mg/kg cân nặng, 3-4 lần/ngày, các lần dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4-6h/lần. Không nên dùng quá 4 lần/ngày, liều một ngày không vượt quá 2gam/ngày ở người lớn và 60mg/kg/ngày ở trẻ em.
Cần chuẩn bị sẵn 1 số loại thuốc, nhưng không dùng bừa bãi mà phải theo chỉ dẫn của dược sĩ, bác sĩ
Với các F0 có bệnh nền
Các F0 có bệnh nền (các bệnh mạn tính đang điều trị ổn định) cần lưu ý duy trì uống thuốc điều trị các bệnh mạn tính này theo đơn. Bên cạnh đó, cần tránh quá lo lắng về việc bị mắc Covid-19 mà bỏ quên bệnh lý mạn tính của mình.
Bởi việc không tuân thủ dùng thuốc điều trị sẽ khiến bệnh nền trở nặng, mất kiểm soát, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Những lưu ý cần thiết khi sử dụng thuốc tại nhà cho F0
PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược, Hà Nội) cho hay, thuốc là con dao hai lưỡi. Vì vậy, khi cách ly tại nhà, việc dùng thuốc của F0 cần theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, không tự ý dùng thuốc. Bởi việc dùng không đúng cách sẽ làm tổn hại đến sức khỏe của chính mình.
Paracetamol hiện có trong rất nhiều loại thuốc với các tên thương mại khác nhau. Các thuốc này có thể chỉ có một thành phần paracetamol hoặc paracetamol kết hợp với các thành phần khác như trong các thuốc điều trị cảm lạnh, cảm cúm.
Hiện nay, trên thị trường có đến vài trăm loại thuốc hạ sốt, giảm đau có chứa thành phần paracetamol này.
Vì vậy, F0 khi điều trị triệu chứng tại nhà cần lưu ý tránh vô ý uống chồng chéo dẫn đến quá liều thuốc. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thêm kháng sinh hay các thuốc kê đơn khác nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Việc có tủ thuốc cho F0 trong thời gian điều trị và cách ly tại nhà là cần thiết.
Tuy nhiên, theo TS. BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Australia tại Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu 5F Covid-19 nhấn mạnh, đây đều là thuốc chữa triệu chứng, thuốc tăng cường sức khỏe và đề kháng cho F0 chứ không hải thuốc để điều trị bệnh Covid-19 tại nhà.
HOÀNG MINH (t/h)