Gia Lai nỗ lực phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững
Tỉnh Gia Lai hiện có gần 300 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, chủ yếu quy mô nhỏ. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Đã nhiều năm, Gia Lai được biết đến như một địa phương có thể mạnh về xuất khẩu gỗ, với doanh thu đã tăng lên 7 - 7,5 triệu USD vào các năm 2019 - 2020. Song 3 năm gần đây, do thị trường biến động vì đại dịch covid và việc các nước khối EU quy định sản phẩm chế biến gỗ phải đạt các tiêu chí quản lý rừng bền vững, nên kim ngạch xuất khẩu gỗ tinh chế của Gia Lai đã giảm xuống chỉ còn 4,3 triệu USD vào năm 2021, tiếp tục giảm xuống 3,5 triệu USD vào năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 mới đạt 192.000 USD.
Điều đáng mừng là sau khi Đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 13/10/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 633 triển khai Kế hoạch thực hiện đề án này với mục tiêu nâng độ che phủ của rừng lên 49,2% vào năm 2030.
Theo đó, từ 2021 - 2025, Gia Lai sẽ trồng mới 40.000 ha rừng, trong đó ít nhất có 10 ngàn ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 15 ngàn ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 1 triệu m3, bình quân 150 ngàn m3 -300 ngàn m3/năm. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 30 ngàn ha. Công suất chế biến đạt 450 ngàn m3/năm, trong đó: Sản xuất ván nhân tạo 200 ngàn m3/năm; sản xuất đồ gỗ nội địa đạt 150 ngàn m3 sản phẩm; đồ gỗ xuất khẩu đạt 100 ngàn m3 sản phẩm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 10,91%. Đồng thời thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân để phát triển sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh và khu vực. Phấn đấu giao đất, giao rừng, cho thuê đất thuê rừng đạt ít nhất 60% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã hiện đang quản lý. Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đến năm 2025, giá trị thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng 2 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với năm 2020.
Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục trồng rừng mới và trồng rừng luân canh 40 ngàn ha trong đó ít nhất 15 ngàn ha rừng gỗ lớn, tiếp tục chuyển hóa 15 ngàn ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Sản lượng khai thác gỗ đạt trên 1,8 triệu m3, bình quân 250 ngàn m3 - 400 ngàn m3/năm. Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thêm 50 ngàn ha. Công suất chế biến đạt 750 ngàn m3/năm, trong đó: Sản xuất ván nhân tạo đạt 350 ngàn m3/năm; sản xuất đồ gỗ nội địa đạt 250 ngàn m3 sản phẩm; đồ gỗ xuất khẩu đạt 150 ngàn m3 sản phẩm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 đạt 12%. Giao đất, giao rừng, cho thuê đất thuê rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt 100% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã hiện đang quản lý. Tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đến năm 2030, thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng 2 - 3 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với năm 2020.
Diện tích keo lai của 5 hộ gia đình ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh) liên kết với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn trồng theo hướng rừng gỗ lớn. Ảnh: Bảo Trang |
Để thực hiện những mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, UBND tỉnh Gia Lai đã đưa ra các giải pháp chủ yếu về phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng cơ sở sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển thị trường, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp. Theo đó, Gia Lai sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc chỉ đạo phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững; cải cách, hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về quỹ đất, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô, công suất, đổi mới công nghệ, ưu tiên các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu. Hình thành mạng lưới cơ sở sản xuất, chế biến gỗ theo các nhóm sản phẩm ngành hàng địa phương có lợi thế; đồng thời hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản tập trung để bảo đảm sản xuất hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển ổn định, bền vững. Huy động các nguồn lực, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến gỗ và các dịch vụ hỗ trợ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến nhằm từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững và có chiều sâu. Đặc biệt, để thực hiện các yêu cầu chặt chẽ của thị trường EU đối với sản phẩm từ gỗ, tỉnh Gia Lai coi trọng công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp trồng rừng cải tiến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý, giám sát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo diện tích rừng trồng được kiểm soát về nguồn gốc, được trồng bằng giống tốt, xuất xứ rõ ràng, có hồ sơ quản lý, đạt năng suất, chất lượng cao. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng; xây dựng, từng bước chuyển sang trồng rừng gỗ lớn hình thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản có chất lượng. Đồng thời khuyến khích sử dụng các loài cây bản địa; trồng rừng hỗn loài, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày ở những nơi có điều kiện thích hợp, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp, ổn định cho sản xuất, chế biến gỗ. Tỉnh còn khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ tham gia phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu ổn định, bền vững; trực tiếp tham gia trồng rừng gỗ lớn, chủ động về nguồn cung gỗ nguyên liệu, hình thành liên kết và mạng lưới chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng, đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ được sản xuất, chế biến, xuất khẩu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng hợp pháp, chứng chỉ bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), chứng nhận quản lý rừng bền vững, dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng (FM), Chứng nhận gỗ có kiểm soát, dành cho các đơn vị quản lý rừng hay sản xuất, chế biến, mua bán các nguồn gỗ theo tiêu chuẩn (CW)... Đó là những điều kiện để ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới có thể phát triển cả về quy mô, uy tín, đứng chân được tại các thị trường rộng lớn như EU; qua đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng sống cho người dân sống bằng nghề trồng rừng, quản lý rừng.