Giám sát chặt chẽ, khẩn trương khoanh vùng, dập dịch bạch hầu
(SK&MT) - Một số địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện hơn chục ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu tập trung tại huyện Đắk Glong.
Ngay sau khi phát hiện ra ổ dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo y tế huyện Đắk Glong phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân, đồng thời thực hiện việc tiêm chủng bổ sung vaccine TD phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7 - 40 sinh sống tại khu vực có dịch.
Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đắk Nông 10 nghìn liều vaccine TD, trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Bên cạnh đó, Viện còn cử đến Đắk Nông hai cán bộ để giúp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông (CDC) nâng cấp kỹ thuật có thể tự xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm bạch hầu bằng phương pháp PCR.
Trung tâm CDC Đắk Nông đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày. Từ 19h ngày 19/6, ổ dịch tại đội 2, thôn 6, xã Quảng Hoà đã được khoanh vùng cách ly. Cơ bản sau 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng ngày 21/6, tới ngày 28/6 tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới.
Trong năm 2019, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Năm nay, mặc dù tỉnh chưa ghi nhận ca mắc, nhưng là địa phương tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông, lại có ca mắc đang điều trị trên địa bàn. Trước tình hình đó, để phòng ngừa dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Bệnh viện Vùng Tây Nguyên điều tra, giám sát tất cả các trường hợp nhập viện; đơn vị cũng đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Lắk là địa phương có đường biên giới với huyện Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông tăng cường công tác giám sát để tránh tình trạng người dân 2 bên giao lưu lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, Trung tâm dự kiến sẽ tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều vào quý IV năm 2020 cho tất cả các trẻ đang học lớp 2 niên học 2020 - 2021 và trẻ 7 tuổi chưa đi học tại cộng đồng.
Hiện nay trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng của tỉnh Đắk Lắk mục tiêu đưa ra phải tiêm vắcxin cho trẻ em dưới 1 tuổi đủ 8 loại vắcxin đạt trên 95% để khống chế các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bạch hầu.
Tại Bắc Ninh, hiện cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên với điều kiện và vị trí giao thông thuận lợi, thông thương lớn, gần thủ đô Hà Nội,… nên khả năng lây nhiễm dịch bạch hầu và dịch bệnh truyền nhiễm khác là rất lớn.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu xâm nhập, lây lan, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế tăng cường tuyên truyền cho người dân về nguy cơ mắc bệnh, các triệu trứng của bệnh bạch hầu và thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế như: Hạn chế đi đến vùng có dịch nếu không cần thiết; khi trở về từ vùng dịch cần chủ động khai báo, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong 10 ngày và thông báo cho cơ quan y tế khi có biểu hiện bệnh để được tư vấn, hướng dẫn phòng và điều trị bệnh kịp thời; đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu DPT-VGb-Hib đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế…
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các Trạm Y tế rà soát số trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu; tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng năm 2020 theo quy mô xã, phường; làm đầu mối phối hợp với các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tổ chức tốt việc theo dõi sức khỏe của trẻ, thực hiện cách ly kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh; rà soát cơ số thuốc, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng triển khai các biện pháp xử lý khi có ổ dịch.
Theo Báo điện tử Chính phủ