Hà Nam: Người nuôi lợn điêu đứng vì bị thương lái ép giá
SK&MT - Giá lợn thịt vẫn duy trì ở mức cao thế nhưng giá lợn hơi lại xuống thấp mức kỷ lục. Nhiều chủ trang trại lao đao vì nợ tiền thức ăn, thuốc men chữa trị, nhiều hộ đã bỏ hoặc chuyển sang nuôi con vật khác có giá trị kinh tế cao.
Nguyên nhân được bắt nguồn từ việc thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế, mặt khác nguồn cung nhiều mà cầu lại ít, khiến cho một số thương lái lợi dụng ép giá xuống thấp gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Người dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm mức kỷ lục
Một trong những hộ nuôi nhiều lợn nhất ở xã Ngọc Lũ không thể không nhắc đến đó là gia đình Bà Trần Thị Hòa, để lứa lợn nhanh chóng được xuất chuồng gia đình Bà mua lợn giống từ 42-45kg với giá từ 75-78 nghìn đồng/kg.
Sau khoảng năm tháng nuôi vỗ béo nếu giá lợn cao thì số tiền lãi cả 100 triệu đồng/lượt xuất. Thế nhưng, giá lợn hơi hiện tại giảm chỉ 28.000 đồng/kg, ước tính gia đình bà phải lỗ 400 triệu đồng. Để giảm chi phí thức ăn số lợn còn lại gia đình cho ăn cầm chừng không vỗ béo.
Cùng chung hoàn cảnh, gia đình anh Trần Văn Khanh (nuôi khoảng 370 con lợn thịt và 30 con nái) buồn rầu chia sẻ: "Mọi năm giá lợn cao người nuôi có đồng lãi, tuy nhiên những ngày đầu năm trở lại đây giá lợn hơi giảm mức kỷ lục chỉ còn 27-28 nghìn/kg, tính ra khi bán chưa kể tiền thức ăn mỗi con lợn người nuôi đã lỗ hơn 2 triệu đồng, cứ đà này gia đình tôi chỉ còn cách phá sản".
Được mệnh danh là thủ phủ lợn miền Bắc nên ở xã Ngọc Lũ các đại lý thức ăn chăn nuôi thường cho các hộ dân mua nợ thức ăn, đến khi lợn xuất chuồng mới thu tiền thức ăn. Trước thực trạng giá lợn thấp như hiện nay nhiều đại lý đang lo lắng về khoản nợ tiền thức ăn của những hộ nuôi lợn.
Ông Lê Duy Dưỡng, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, chia sẻ: "Tình trạng giá lợn còn thấp kéo dài bà con bán không lãi thì số tiền nợ không biết tính như nào, không những gia đình tôi mà tất cả các đại lý khác cũng như đang ngồi trên đống lửa".
"Toàn xã có 2.000 hộ thì có tới 1.500 hộ chăn nuôi lợn. Nhưng hiện nay số người nuôi lợn chỉ còn một nửa, nhiều chuồng trại đã bỏ không do nuôi không lãi. Nỗi lo lớn nhất của hộ dân và các đại lý là số nợ ngân hàng đã vây để kinh doanh", Ông Trần Đình Thuật (Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ) cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà (Phó chi cục trưởng chi cục chăn nuôi và thú ý - Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam) cho biết: "Thị trường luôn bất động do đó địa phương cũng cảnh báo cho người dân nhưng do thưing lái Trung Quốc ồ ạt mua người dân lại đổ xô chăn nuôi, cho đến khi lợn nữa nhiều mà con đường xuất khẩu lợn qua Trung Quốc khó khăn thì giá lợn trong nước giảm thấp đến mức kỷ lục".
Theo Ông Hà, thị trường Trung Quốc vốn “khi đóng, khi mở” nên từ lâu địa phương đã có cảnh báo cho người dân. Tuy nhiên, lúc Trung Quốc ồ ạt thu mua, giá tăng cao người dân đổ xô nuôi không theo quy mô, do đó khi con đường xuất khẩu qua Trung Quốc bị hạn chế thì lập tức nhiều hộ dân lao đao vì giá lợn thấp mà chi phí chăn nuôi lại cao.
Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi do cho người chăn nuôi, vấn đề cấp thiết là tổ chức lại sản xuất, liên kết chăn nuôi theo mô hình từ con giống thức ăn cho đến xuất chuồng. Quan trọng vẫn là đảm bảo được giá khi xuất bán. Bên cạnh đí sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu tránh tình trạng lệ thuộc. Tăng cường hơn nữa trong dự báo, dự đoán tình hình giá cả thị trường để người dân kịp thời nắm bắt.
Nguyễn Quý