Hội nghị thượng đỉnh Covid-19 lần 2: Xây dựng chính sách thu hút người dân tiêm chủng, bảo vệ nhân viên y tế
Hội nghị thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu lần thứ 2 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 12/5 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) dự hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 với các lãnh đạo thế giới vào tháng 9-2021 bằng hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thảo luận về những nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch này và chuẩn bị các phương án ứng phó với các mối đe dọa y tế trong tương lai.
Trong thông cáo báo chí với Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) công bố ngày 18/4, Nhà Trắng nhấn mạnh sự xuất hiện và bùng phát các làn sóng dịch mới do các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Omicron đã cho thấy rõ cần có một chiến lược để kiểm soát dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Hội nghị Covid-19 lần thứ 2 sẽ do Mỹ chủ trì cùng với Đức - nước giữ chức Chủ tịch G7, Indonesia - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20 và Senegal - nước giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi, và Belize - nước hiện giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Caribe (CARICOM).
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Hội nghị thượng đỉnh Covid-19 lần 2 này sẽ xây dựng chính sách cụ thể dựa trên những nỗ lực và cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên vào tháng 9/2021, như làm sao để thu hút nhiều người hơn tiêm chủng, mở rộng các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế và tổng hợp nguồn lực tài chính để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ đại dịch trong tương lai.
Kể từ khi bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 12/2019 đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan toàn cầu khiến hơn 504 triệu người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 6,22 triệu người. Hiện dịch Covid-19 dù đã thuyên giảm, song chưa có dấu hiệu chấm dứt khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện. Hầu hết các nước đều đã xác định đây là bệnh đặc hữu và đang dần đưa ra các biện pháp để sống chung với dịch bệnh này giống như các loại bệnh khác như sởi, cúm,....
VÂN ANH