Huyện Việt Yên (Bắc Giang): Trạm trộn bê tông, bãi tập kết vật liệu xây dựng “bức tử” sông Cầu
Các đơn vị hoạt động trạm trộn bê-tông, bãi vật liệu xây dựng phía ngoài đê sông Cầu thuộc địa bàn xã Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 32/2022/QĐ-UBND quy định hành lang bảo vệ đối với đê cấp IV, cấp V và công tác quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Có hiệu lực kể từ ngày 20/9/2022.
Trong đó, Hạt Quản lý đê Việt Yên trực tiếp quản lý, bảo vệ các công trình đê điều sau: a) Đê có 01 tuyến đê cấp III chiều dài 20,858 ki lô mét; b) Kè có 04 kè bảo vệ đê cấp III; c) Cống có 06 cống qua đê cấp III; d) Công trình phụ trợ có 11 điếm canh đê trên đê cấp III. Ủy ban nhân dân huyện Việt Yên chỉ đạo phòng chuyên môn của huyện và Ủy ban nhân nhân cấp xã trực tiếp quản lý, bảo vệ các công trình đê điều sau: a) Đê có 04 tuyến đê cấp V chiều dài 33,9 ki lô mét; b) Cống có 25 cống qua đê cấp V; c) Công trình phụ trợ có 04 điếm canh đê trên đê cấp V.
Quyết định này được áp dụng đối với các địa phương, đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo vệ công trình đê điều và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định, hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang ở những vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 m về 2 phía đồng, 20 m về phía sông.
Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp V ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang ở những vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 20m về phía đồng, 15m về phía sông. Hàng lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê cấp IV, cấp V thực hiện theo khoản 3 Điều 23 Luật Đê điều năm 2006.
Sông Cầu “ngập trời” trạm trộn bê tông, bãi tập kết vật liệu xây dựng
Trạm trộn bê tông, bãi vật liệu xây dựng đang “phá nát” hành lang thoát lũ sông Cầu thuộc địa phận xã Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang)
Tại khu vực chân cầu Như Nguyệt, sông Cầu, những mô hình sản xuất, kinh doanh từ vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông, than, cát sỏi,... đang hoạt động tấp nập ngày đêm. Những hoạt động kinh doanh này dấy lên báo động về nguy cơ tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí.
Ghi nhận trong tháng 10/2022 qua tại khu vực chân cầu Như Nguyệt, địa phận đê sông Cầu xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày trên tuyến đê “oằn mình” cõng hàng trăm lượt xe trộn bê tông, xe tải trọng tải lớn di chuyển từ các trạm trộn bê tông, bãi tập kết vật liệu xây dựng chạy qua các khu dân cư, trường học đổ về các dự án trong khu vực huyện Việt Yên và TP. Bắc Ninh.
Cụ thể, tại khu vực này những doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng trạm trộn bê tông thương phầm như: Công ty Việt Nhật, Công ty Việt Đức, Công ty 138, Bê tông Hoàn Chinh…
Mỗi doanh nghiệp này xây dựng từ 2 - 6 téc trộn bê tông công suất lớn và một dây chuyền sản xuất hiện đại đã chứng tỏ được quy mô và sự đầu tư hoành tráng của các trạm trộn này. Trong khu vực bãi của các công ty này các xe trộn bê tông tập kết chờ “ăn hàng” nườm nượp, các dây chuyền sản xuất hoạt động hết công suất và cùng đó nước thải từ bê tông tươi được xả tại chỗ. Bên cạnh đó, các bãi cát, sỏi, đá tập kết, tràn lan trên hành lang đê điều.
Đáng chú ý, tại mỗi vị trí của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đều được xây dựng các công trình nhà điều hành, thậm chí là nhà ở kiên cố.
Một ngôi nhà kiên cố hai tầng nằm trong khu vực trạm trộn bê-tông của Công ty Hoàn Chinh ngay phía ngoài đê sông Cầu
Từ những hoạt động kể trên của các doanh nghiệp, PV còn ghi nhận các xe tải, xe trộn bê tông trọng tải trên 12 tấn “ung dung” di chuyển trên tuyến đê. Mặc dù trọng tải được quy định rất rõ trên tuyến đường đê là 12T nhưng các phương tiện này bất chấp di chuyển mà không gặp phải sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Hàng trăm hộ dân tại xã Quang Châu ngày ngày chịu sự “áp bức” khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, nguồn nước và không khí từ chính các doanh nghiệp này. Bụi từ bê tông, cát sỏi, gạch phủ trắng cây cối, các hộ dân chỉ biết đóng chặt cửa tránh khỏi bụi, hoặc đổ nước ra mặt đường trước nhà để giảm thiểu ô nhiễm.
Đường qua hầm chui gầm cầu Như Nguyệt bị tàn phá nghiêm trọng bởi xe tải
Từ thực tế cho thấy, hoạt động của các trạm trộn bê tông đối diện khu vực Trường THCS xã Quang Châu “tiềm ẩn” nguy cơ mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
Ngày 27/10, để làm rõ và trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trên, PV đã liên hệ đến UBND xã Quang Châu, UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức.
Sai phạm kéo dài và tái phạm lỗi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước thực trạng trên, PV đã có buổi chia sẻ với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: Theo quy định tại Khoản 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 thì “…..Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định...”.
Đường đê sông Cầu bị “cày nát” bởi hàng trăm lượt xe tải, xe trộn bê tông di chuyển qua đây hàng ngày
Tại mục 1.2.1.4, bảng 1.2, Phụ lục I, kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng thì công trình trạm trộn sản xuất bê tông thương phẩm sẽ có cấp II hoặc cấp III (tùy theo công suất).
Ở Phụ lục X kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ thì công trình trạm trộn sản xuất bê tông thương phẩm thuộc đối tượng có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Vì vậy, khi thực hiện việc lắp đặt các trạm trộn bê tông thương phẩm có thời hạn (công trình tạm) thì cần phải xin giấy phép xây dựng.
Cùng đó, Luật sư Hùng thông tin về hoạt động kinh doanh trên hành lang đê điều có vi phạm quy định pháp luật: Ta có thể hiểu đê điều là công trình ngăn nước lũ của sông hoặc ngăn nước biển, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân loại, phân cấp theo quy định của pháp luật. Hệ thống đê điều có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh. Ngoài tác dụng chính là ngăn lũ bảo vệ cho các vùng dân sinh, kinh tế, hệ thống đê điều còn góp phần không nhỏ vào việc kết nối giao thông giữa các vùng trong tỉnh, liên tỉnh; tạo ra một vùng đất bãi sông trù phú thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cũng như phát triển các loại hình kinh tế khác, phát triển đời sống của nhân dân. Các hoạt động kinh doanh, lấn chiếm hay sử dụng sai mục đích của hành lang đê điều đều bị cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Đê điều 2006 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020.
Trong trường hợp sai phạm kéo dài và tái phạm, lỗi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự . Cụ thể: Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Phá hoại đê điều.
2. Nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật này quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.
3. Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền trong phạm vi bảo vệ đê điều.
4. Vận hành hồ chứa nước thượng lưu trái quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến đê điều.
5. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”.
6. Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
7. Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão”.
8. Chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
9. Phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.
10. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều, các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục.”.
11. Sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều.
Hình thức xử phạt được quy định tại Nghị định số: 03/2022/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều. Trong đây quy định rõ về hình thức xử phạt hành chính và hình thức phạt bổ sung.
4.2. Điều 238, Chương XIX Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông như sau:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;…
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
……..
e) Tái phạm nguy hiểm;
Như vậy, các trường hợp vi phạm lỗi kéo dài hay tái phạm thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015.
Nhóm PV