Không nên uống nhiều nước khi ăn
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Uống nước trong khi ăn cản trở quá trình tiêu hóa của dạ dày và khiến nồng độ insulin biến động đáng kể, cảnh báo được đăng tải trên trang Healthmeup.
Uống nước trong bữa ăn không phải là thời gian tốt nhất để làm dịu cơn khát, tiến sĩ - bác sĩ Shonali Sabherwal của Ấn Độ cho biết. Ông giải thích thêm, đối với những người gặp vấn đề về tiêu hóa, dạ dày có sở trường đặc biệt để nhận biết khi nào cần dung nạp thức ăn, từ đó nhanh chóng tiết ra các dịch tiêu hóa.
Nếu vừa ăn vừa uống cùng lúc thì bạn đã vô tình làm loãng dịch tiêu hóa tiết ra để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến hệ quả làm hỏng các chất dinh dưỡng của thực phẩm. Hơn nữa, bác sĩ Sabherwal còn cảnh báo vừa ăn vừa uống rất dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược a xít dạ dày và ợ nóng.
Không chỉ vậy, uống nước trong bữa ăn còn có thể khiến nồng độ insulin tăng đột biến, nếu như bạn tiêu thụ thực phẩm có chỉ số glycemic cao. Khi insulin tăng cao trong máu, khả năng cơ thể lưu trữ chất béo càng nhiều, từ đó gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nhấm nháp một vài ngụm nước trong bữa ăn không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng uống một hoặc hai ly có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Theo các chuyên gia, thời gian tốt nhất để uống là trước khi ăn hoặc hai giờ sau bữa ăn để các chất dinh dưỡng được hấp thu một cách hiệu quả.
Bác sĩ Sabherwal gợi ý một số cách để hạn chế nạp nhiều nước trong khi ăn: Hãy chắc chắn thực phẩm không quá mặn để không làm trầm trọng thêm cơn khát và kích hoạt nhu cầu uống nhiều nước. Tránh ăn nhanh bởi ăn hối hả dễ mắc nghẹn và cần uống nhiều nước để đẩy thức ăn xuống dạ dày. Nhai kỹ thức ăn cũng là cách giúp hạn chế việc uống nhiều nước bởi trong khi nhai kỹ, dịch tiêu hóa (enzyme) tiết ra nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho dạ dày hoạt động hiệu quả hơn.
AloBacsi.vn
Theo Hạ Yên - Thanh Nien