Lâm Đồng: Rừng nguyên sinh “nguy cơ” bị xâm hại
Sức khỏe & Môi trường nhận được đơn kêu cứu của tập thể người dân sinh sống xung quanh rừng nguyên sinh có tên là “Núi Chúa” về cánh rừng nguyên sinh đang có chủ trương giao cho doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng cây dược liệu, như vậy sẽ làm thay đổi kết cấu cũng như hiện trạng của khu rừng được coi như “ lá phổi” của người dân sinh sống xung quanh nơi đây.
Ngôi miếu linh thiêng minh chứng cho cánh rừng nguyên sinh ở xã Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng đã được cộng đồng người dân thôn 10B quản lý và bảo vệ suốt hơn 20 năm qua.
Khu rừng này nằm trên một ngọn đồi với nhiều cây to rậm rạp, chưa từng có sự can thiệp của con người. Chính vì vậy cả cánh rừng là nơi cung cấp mạch nước ngầm cho người dân sinh sống. tránh được giông lốc, chống được sói mòn, lạt lở đất. Khu rừng có tầm quan trọng lớn đối với cuộc sống của người dân, tạo ra môi trường xanh, không khí trong lành.
Hiểu được tầm quan trọng của khu rừng, ngay khi người dân đến đây khai hoang làm nương rẫy đã dựng nên ngôi miếu nhỏ để thờ cúng sơn thần, thần linh của khu rừng này và cũng là nơi linh thiêng để hàng năm không những người dân ở đây mà cả người dân sinh sống ở địa phương khác cứ vào ngày 16 tháng chạp (âm lịch) hội tụ đến đây để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân ấm no hạnh phúc. Những việc làm của người dân nơi đây được chính quyền địa phương rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện từ đó mà người dân xung quanh chủ yếu là thôn 10B quyết tâm bảo vệ khu rừng, hàng năm trồng thêm cây xanh, ngăn chặn được tình trạng đốt phá cây rừng làm nương rẫy để tạo cho cây rừng ngày một xanh tốt hơn, độ che phủ rừng ngày càng lớn hơn. Ông Nguyễn Văn H. (70 tuổi), sinh sống ở đây gần 50 năm cho biết: “Rừng nơi đây còn nguyên sinh chưa có sự can thiệp của con người, vì cây cối rập rạp xanh tốt, môi trường sinh thái, không khí trong lành nên hầu như đến tuổi này ông ít khi gặp vấn đề về sức khỏe, vì thế ông cũng như người dân nơi đây mong muốn quyết tâm giữ rừng cho thế hệ tương lai”.
Để yên tâm cho việc bảo vệ “lá phổi” của mình, toàn bộ người dân trong thôn đồng tình ký vào văn bản đề nghị chính quyền địa phương xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý rừng cũng như Hạt kiểm lâm huyện đã đồng ý xét duyệt cho người dân thôn 10B được quản lý hợp pháp cánh rừng này. UBND huyện Bảo Lâm giao cho Hạt kiểm lâm và Phòng Nông nghiệp lập dự án giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 10B sau đó được gửi lên HĐND, UBND tỉnh cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng xem xét giải quyết.
Khu rừng nguyên sinh với cây cối xanh tươi được ví như “lá phối” của người dân giúp bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Mấy tháng sau, Công văn của Đoàn đại biểu HDND tỉnh Lâm Đồng gửi về huyện Bảo Lâm yêu cầu giải quyết đề nghị người dân thôn 10B về việc quản lý hợp pháp cánh rừng nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trong thời gian chờ các cấp, các ngành chức năng địa phương và Trung ương giải quyết đề nghị chính đáng của người dân được quản lý rừng, bảo vệ môi trường thì cộng đồng người dân thôn 10B đã nhận được thông báo khu rừng “Núi Chúa” ở tiểu khu 482 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đamri có Công ty cổ phần Nam Tùng đã lập dự án xin làm khu du lịch sinh thái. Sau này, Sở kế hoạch và Đầu tư gửi Công văn tới UBND huyện Bảo Lâm về việc lấy ý kiến đề xuất thực hiện dự án đầu tư bảo vệ rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Bảo Lâm của Công ty TNHH Vũ Điệp, Bảo Lộc. Như vậy, đây có thể xem như là bước chuẩn bị giao rừng cho doanh nghiệp (?).
Chúng ta biết rằng, rừng phòng hộ có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, đất của môi trường tự nhiên. Rừng sẽ giúp chống xói mòn, hạn chế thiên tai, đồng thời điều hòa khí hậu, hơn cả là bảo vệ, điều hòa môi trường sinh thái. Trong bối cảnh môi trường đang ngày càng bị đe dọa và các thảm họa thiên tai xảy ra với cường độ dày hơn, chúng ta cần phải bảo tồn, phát triển rừng phòng hộ. Thế nhưng Công ty TNHH Vũ Điệp đang làm đề án đề nghị địa phương giao rừng phòng hộ cho doanh nghiệp để thực hiện mục đích riêng của doanh nghiệp.
Người dân đặt câu hỏi, liệu ai sẽ bảo đảm chắc chắn rằng, khi rừng đã được giao cho doanh nghiệp quản lý và sử dụng có còn nguyên vẹn như khi bà con nhân dân bảo vệ và quản lý khu rừng - “lá phổi” của người dân nơi đây. Những kiến nghị của người dân thôn 10B là giữ lại rừng nguyên sinh này là vô cùng chính đáng, cần thiết và hợp lý.
Câu trả lời cho việc ai sẽ quản lý và bảo vệ khu rừng nguyên sinh thuộc về chính quyền địa phương.
Nhóm PV