Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức về môi trường và sạt lở
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, diễn đàn đã lắng nghe những tham luận tâm huyết, những sáng kiến đổi mới từ các diễn giả xuất sắc, cùng với những câu chuyện thực tiễn từ của các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh vùng ven biển đang ngày một chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai.
Quang cảnh diễn đàn. |
“Đây không chỉ là cơ hội để các bên liên quan thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống thiên tai, mà còn là dịp để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng, chính quyền, tổ chức xã hội và các nhà nghiên cứu. Các chuyên gia nghiên cứu, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn có thể đưa ra những giải pháp khả thi và bền vững nhằm nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó và phục hồi sau thiên tai”, ông Trần Văn Cao chia sẻ.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, vùng ĐBSCL là phần cuối của lưu vực sông Mê Kông, với tổng diện tích 39.400km2, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng khoảng 18 triệu người, trong đó 75% người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL là hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên. Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.
Điển hình, mùa khô năm 2023-2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189ha lúa giảm năng suất; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt; có 2.059 điểm sụt lún; 686 vị trí sạt lở bờ sông và 57 vị trí sạt lở bờ biển.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu thực trạng diễn biến phức tạp, sự nguy hiểm và hậu quả do sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL. Đồng thời đưa ra những giải pháp để huy động sức mạnh, nguồn lực của nhân dân tham gia vào phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng. Cùng với đó là những yêu cầu cấp bách trước mắt, lâu dài để bảo vệ vững chắc, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.