Liệu người từng mắc Covid có cần tiêm vaccine?
Theo giới khoa học, người may mắn khỏi Covid-19 vẫn nên tiêm chủng
Các chuyên gia, chính trị gia, giáo sư và bác sĩ cân nhắc, so sánh giữa hiệu quả của miễn dịch tự nhiên và khả năng bảo vệ của vaccine. Giống với nhiều khía cạnh của Covid-19, "vấn đề này rất phức tạp".
Sau khi nhiễm nCoV, nhiều người miễn dịch tốt nếu tiếp xúc với virus lần thứ hai. Tuy nhiên, độ bền miễn dịch tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của lần mắc bệnh đầu.
Akiko Iwasaki, một nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết: "Đó là đặc điểm của miễn dịch tự nhiên, nó có thể ở mức thấp hoặc cao, tùy thuộc vào dạng bệnh phát triển".
Những người có khả năng miễn dịch tự nhiên mạnh mẽ không dễ tái nhiễm trong tối đa một năm. Dù vậy, chuyên gia cho rằng họ không nên bỏ tiêm chủng. Thậm chí, ở người đã nhiễm nCoV, tiêm vaccine giúp bảo vệ lâu dài khỏi tất cả loại biến thể, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature.
"Nếu bạn bị nhiễm nCoV sau đó được tiêm phòng, bạn gần như bất bại", Jennifer Gommerman, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Toronto, cho biết.
Thiếu vaccine, các kháng thể từ nhiễm bệnh tự nhiên sẽ suy yếu, khiến người từng mắc Covid-19 dễ tái nhiễm với triệu chứng nhẹ khi gặp biến thể. Lúc này, họ có nguy cơ truyền bệnh cho người khác.
Theo các chuyên gia, rất khó để so sánh giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch do tiêm chủng. Cuộc tranh luận gợi mở ra hàng chục nghiên cứu, kết quả thường trái ngược nhau. Song vẫn có một số quan điểm nhất quán, chẳng hạn hai liều vaccine mRNA tạo nhiều kháng thể hơn so với việc nhiễm nCoV tự nhiên. Nhưng kháng thể từ người mắc Covid-19 chống lại được nhiều loại biến chủng hơn so với vaccine.
Các nghiên cứu sơ bộ về độ bền và sức mạnh của miễn dịch tự nhiên vẫn còn lỗ hổng lớn. Về lý thuyết, các nhà khoa học chỉ đánh giá phản ứng của người sống sót sau mắc Covid-19. Như vậy, theo tiến sĩ Michel Nussenzweig, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Rockefeller ở New York, con đường để có miễn dịch tự nhiên rất nguy hiểm và không chắc chắn.
Khoảng 85% đến 90% người đã khỏi Covid-19 có lượng kháng thể đủ lớn để phản ứng với bộ kit thử. Độ bền và độ mạnh của chúng có thể thay đổi. Ví dụ, khả năng miễn dịch từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên tương đương nhau ở người trẻ tuổi. Với người trên 65 tuổi, hai liều vaccine mRNA hiệu quả hơn.
Nghiên cứu do tiến sĩ Akiko Iwasaki và các đồng nghiệp thực hiện, công bố hồi tháng 5 cho thấy bệnh càng nặng, mức độ kháng thể càng tăng. Ở khoảng 43% người vừa hồi phục, kháng thể trung hòa (kháng thể cần thiết ngăn ngừa tái nhiễm) không dễ phát hiện qua việc xét nghiệm. Sau hai tháng, ở khoảng 30% người đã khỏi bệnh, lượng kháng thể giảm xuống mức không thể phát hiện được.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân tham gia nghiên cứu, kết quả cho ra có thể khác nhau, theo Fikadu Tafesse, nhà miễn dịch học tại Đại học Y tế & Khoa học Oregon. Tiến sĩ Tafesse nói: "Nếu đối tượng nghiên cứu chỉ là người nằm viện, kháng thể có lẽ sẽ cao hơn".
Chất lượng kháng thể giữa vaccine và miễn dịch tự nhiên cũng có sự khác biệt. Thông thường, các loại vaccine tiểu phân tử chỉ sử dụng một mảnh protein đơn lẻ được mã hóa của nCoV. Như vậy, virus sống xâm nhập từ quá trình mắc Covid-19 sẽ tạo phản ứng miễn dịch rộng hơn.
Virus kích thích hệ thống phòng thủ trong mũi và cổ họng. Đây chính là nơi cần thiết để ngăn ngừa tái nhiễm. Trong khi đó, vaccine chủ yếu tạo kháng thể trong máu.
Các mảnh virus cũng tồn tại trong cơ thể nhiều tuần sau khi lây nhiễm. Điều này giúp hệ miễn dịch có thêm thời gian để học cách chống lại nó, trong khi protein từ vaccine sẽ nhanh chóng được đào thải.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tái nhiễm, ít nhất là với các phiên bản trước đó của virus, rất hiếm. Tại Phòng khám Cleveland, không ai trong số hơn 1.300 nhân viên từng mắc Covid-19, chưa được tiêm vaccine, gặp tình trạng tái nhiễm, theo bác sĩ Nabin Shrestha.
Ông cho rằng cần nhìn nhận kết quả này một cách cẩn trọng và khách quan hơn. Thực tế, phòng khám chỉ xét nghiệm cho người có triệu chứng, dễ bỏ qua các ca tái nhiễm không biểu hiện. Người tham gia khảo sát trung bình 39 tuổi. Vì vậy, kết quả không phản ánh hiện trạng ở độ tuổi lớn hơn, như người già, có nguy cơ tái nhiễm nCoV cao hơn.
Nghiên cứu phổ biến nhất ủng hộ hiệu quả của miễn dịch tự nhiên chống biến thể Delta là từ Israel. Các nhà khoa học chỉ ra rằng người chưa mắc Covid-19, đã tiêm chủng, có tỷ lệ nhiễm nCoV đột phá cao gấp ba lần người chưa tiêm phòng có miễn dịch tự nhiên (vì từng mắc Covid-19).
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo không nên lấy kết quả này để suy diễn rằng miễn dịch tự nhiên an toàn hơn tiêm vaccine. Bill Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết trong các tình nguyện viên của nghiên cứu, có những người bị suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm nCoV đột phá hơn.
Theo giới khoa học, người may mắn khỏi Covid-19 vẫn nên tiêm chủng. Điều này giúp mức độ kháng thể gia tăng, trở thành lá chắn miễn dịch gần như không xuyên thủng, thậm chí có thể chống lại các biến thể trong tương lai. Dù đã có thêm nhiều kiến thức về miễn dịch tự nhiên, các nhà khoa học vẫn đồng tình ở một điểm, rằng vaccine an toàn hơn nhiều so với canh bạc nhiễm nCoV.
Nhóm phản đối vaccine cho rằng tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở người trẻ tuổi rất thấp. Song ngay cả ở các ca nhiễm nhẹ, di chứng tim, thận và não vẫn có thể kéo dài, khiến người bệnh kiệt sức, không thể hoạt động bình thường trong vài tuần đến vài tháng.
(Theo New York Time)