Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác truyền máu
Phó giáo sư Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết trong 30 năm hình thành và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam (1994-2024), lượng máu tiếp nhận được tăng đều qua các năm. Kể từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm các cơ sở y tế đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu và đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương.
Tiến sĩ Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho hay cả nước có 77 cơ sở y tế (thuộc 44 tỉnh/thành phố) tham gia tiếp nhận máu, trong đó có 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương/tuyến tỉnh thực hiện tiếp nhận máu thường xuyên, 29 cơ sở y tế tuyến huyện chủ yếu tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu.
Tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%. Đó là một con số đáng tự hào. Tuy nhiên, 91% lượng máu tiếp nhận lại tập trung ở 23 bệnh viện/Trung tâm truyền máu. Khu vực Đồng bằng sông Hồng tiếp nhận số lượng máu nhiều nhất với 655.842 đơn vị máu, trong đó riêng Viện Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận 485.432 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách), chiếm 30% lượng máu tiếp nhận toàn quốc.
Theo Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, đến nay, trên cả nước đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu và đặc biệt là công tác điều phối máu giữa các địa phương.
Để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng, bền vững, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – TS Nguyễn Trọng Khoa đề nghị Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, các cơ sở truyền máu phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tập trung tham mưu các giải pháp đảm bảo cho các hoạt động truyền máu an toàn, chất lượng cho điều trị, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo bằng cách phát huy các ngân hàng máu sống ở các khu vực này.
Các Trung tâm Máu cần quan tâm đến việc đào tạo, tuyển chọn nhân lực làm công tác truyền máu; đảm bảo thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất sinh phẩm, túi máu… không để gián đoạn hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Công tác truyền máu toàn quốc năm 2024 diễn ra vừa qua tại Hà Nội, TS Khoa cũng nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ sở y tế cần đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu; phát triển phần mềm trong quản lý, nâng cao sự kết nối giữa các cơ sở truyền máu.