Ngành Răng hàm mặt phía Nam với chiến lược “nha cộng đồng”
“Sẽ có những bước đi mới”
Tại hội nghị liên quan đến công tác chuyển giao kỹ thuật (Đề án 1816) và chỉ đạo tuyến vừa được tổ chức gần đây, ThS.BS Lê Trung Chánh- Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt (BV RHM) Trung ương TP.HCM, cho biết trong vòng 5 năm tới, ngành RHM phía Nam sẽ tiếp tục chuyển mình với nhiều “bước đi” mới, vừa sâu về chuyên môn, kỹ thuật điều trị, vừa rộng về hoạt động chăm sóc răng miệng với chiến lược “nha cộng đồng”.
Công tác chăm sóc răng miệng tại tuyến y tế cơ sở-BV quận 2, TP.HCM
Đặc biệt, ThS.BS Lê Trung Chánh cam kết với lãnh đạo các cơ sở y tế ở 32 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Cà Mau rằng, BV RHM Trung ương TP.HCM luôn sẵn sàng kề vai sát cánh với đơn vị RHM các địa phương trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân.
“Nha cộng đồng” được hiểu là nỗ lực của ngành RHM trong quản lý, chăm sóc răng miệng từng cá nhân từ khi “mọc răng sữa” cho đến lúc “rụng hết răng”. Trong chiến lược này, “nha học đường” sẽ là ưu tiên để khi trưởng thành các em không phải băn khoăn câu chuyện “hàm răng mái tóc là gốc con người”.
Được biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, gần 20 đơn vị RHM tại các BV Đa khoa tỉnh ở phía Nam đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao tại chỗ thông qua công tác chuyển giao kỹ thuật, như: BV Đa khoa Khánh Hòa (chỉnh hình răng mặt can thiệp); BV Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt An Giang (phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới vùng góc hàm và phẫu thuật kết hợp xương hàm trên); BV Đa khoa Lâm Đồng (phẫu thuật điều trị gãy xương hàm dưới bằng nẹp vít hợp kim); BV Đa khoa Ninh Thuận (chỉnh hình răng mặt, cấy ghép nha khoa); BV Đa khoa Cà Mau (phẫu thuật điều trị gãy XGM bằng nẹp vít hợp kim)...
Bên cạnh đó, tiếp nối thành công từ 5 năm qua, BV RHM Trung ương TP.HCM sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật mới, tăng cường đào tạo liên tục (không thu phí) giúp đội ngũ y - bác sĩ - kỹ thuật viên lĩnh vực RHM cập nhật kiến thức mới, nâng cao tay nghề, kỹ năng. Đặc biệt, thời gian tới trong vai trò Bộ Y tế giao chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật toàn phía Nam, BV RHM Trung ương TP.HCM còn đề xuất mở rộng phạm vi chuyển giao kỹ thuật xuống tận cơ sở y tế tuyến huyện nếu các cơ sở y tế này đề nghị. Lâu nay, hoạt động chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực RHM chỉ gói gọn ở tuyến tỉnh mà thôi.
“Thành bại vẫn nằm ở yếu tố con người”
Liên quan đến “thành bại” của hoạt động chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực RHM, theo BS. Phan Hữu Chính- Giám đốc BV Đa khoa Khánh Hòa, cho biết chính sách (Đề án 1816) có đủ, phía BV RHM Trung ương TP.HCM luôn sẵn lòng hỗ trợ, máy móc thiết bị cũng có thể đầu tư mua sắm, song “thành bại vẫn nằm ở yếu tố con người”.
Các bác sĩ trẻ BV RHM Trung ương TP.HCM khám chữa răng từ thiện cho trẻ khiếm thính ở Lâm Đồng
Theo BS. Phan Hữu Chính, “yếu tố con người ở đây” là những trưởng khoa RHM tại các BV Đa khoa tỉnh có “thực sự quan tâm đến sự phát triển” hay không. “Gặp phải trưởng khoa “cà lơ phất phơ” chỉ ậm ờ cho qua, không tích cực tham mưu lãnh đạo BV thì cũng... bó tay. Trên thực tế, thời gian qua vẫn còn một vài BV Đa khoa tỉnh ở khu vực phía Nam gần như “quay lưng” với nỗ lực phát triển lĩnh vực RHM trong toàn vùng”. – BS. Phan Hữu Chính, nhấn mạnh
Hiện hệ thống KCB chuyên khoa RHM công lập theo 4 tuyến tại các tỉnh thành phía Nam bao gồm: BV RHM Trung ương TP.HCM; Khoa RHM các bệnh viện tuyến trung ương: BV C Đà Nẵng, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam, BV Thống Nhất, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV Phong Da liễu – Quy Hoà, BV Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai). Ngoài ra còn 4 BV RHM tuyến tỉnh gồm: Đà Nẵng, TP.HCM, An Giang, Cần Thơ. Bên cạnh đó còn 32 khoa RHM trực thuộc BV đa khoa các tỉnh, thành phố; Khoa RHM các BV Đa khoa tuyến tỉnh, BV Đa khoa khu vực, BV chuyên khoa sản - nhi, BV nhi đồng.
Ngoài ra còn có Khoa liên chuyên khoa, phòng khám RHM các BV tuyến quận, huyện, trạm y tế xã phường (ở các thành phố lớn). Riêng tại 2 thành phố trực thuộc Trung ương còn có khoa RHM thuộc BV Trường Đại học Y Dược TP.HCM, BV Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Gia Thanh