Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng là chiến sĩ
Đó là phát biểu của ông Trần Trung Vĩ - Phó Văn phòng, Trợ lý của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khi trả lời báo chí về việc tăng cường kiểm soát, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vừa phải đảm bảo sản xuất, sinh hoạt thì khâu vận tải hàng hóa có vai trò rất quan trọng để duy trì chuỗi sản xuất – cung ứng – tiêu thụ.
Việc di chuyển vận tải, thu mua lương thực và các loại nông sản, hàng hóa thiết yếu cần phải được chú trọng, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi.
Thời gian gần đây, nhiều vệt lây nhiễm dịch CoViD-19 đã theo chân tài xế điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa đường dài từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về các địa phương miền Tây. Đã có trường hợp tài xế bị truy tố về hành vi gây lây lan dịch bệnh cho người. Các địa phương đều đã ban hành quy định buộc tài xế phải có kết quả test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR tại nơi xuất phát còn thời hạn không quá 72 giờ.
Trong khi đó, việc xét nghiệm trên thực tế tại các địa phương còn rất nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu. Ông Văn Đăng Kép, ở xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tài công chuyên điều khiển phương tiện đường thủy thu mua lương thực đã đặt cọc thu mua lúa của nhiều nông dân các địa phương trong vùng từ giữa vụ sản xuất (khi chưa có dịch), giờ tới ngày thu hoạch chuyển đi chế biến thì việc di chuyển bị bế tắc. Lý do: tại địa phương không có điểm xét nghiệm theo yêu cầu để làm giấy thông hành. Nếu di chuyển ra khỏi địa bàn là trái quy định. Trong khi đã tới hạn hợp đồng thu mua và lúa của bà con nông dân đã tới ngày thu hoạch, để trên trên đồng trong mùa mưa chịu nhiều thiệt hại.
“Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh phải tổ chức điểm xét nghiệm tại xã hoặc tạo điều kiện cho lên huyện xét nghiệm để có giấy thông hành đi vận chuyển thu mua lúa cho bà con chứ nếu cứ ách tắc thế này thì nông dân thiệt hại và kéo dài thì sớm muộn gì cũng sẽ sốt giá gạo, thiệt hại sẽ lớn hơn”. Ông Kép, nói.
Kiến nghị của ông Kép đã được chuyển đến cơ quan tiếp nhận thông tin của tỉnh Đồng Tháp nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vì nguồn lực xét nghiệm của tỉnh đang tập trung cho nhiệm vụ dập các ổ dịch bùng phát trên địa bàn, không đủ để đáp ứng hết được mọi yêu cầu.
Nếu người điều khiển bế tắc, phương tiện không đến được vùng nguyên liệu thu mua để chuyển đi chế biến tiêu thụ thì lúa và nhiều loại nông sản sau thu hoạch sẽ tồn đọng tại các vùng sản xuất.
Theo ông Kép, trước giãn cách theo Chỉ thị 15 thì các trạm kiểm soát chỉ yêu cầu tài công và người đi cùng khai báo y tế vì di chuyển dưới sông và có nơi lưu trú ngay trên phương tiện của mình. Giờ giãn cách theo Chỉ thị 16 thì di chuyển không được nếu không có kết quả xét nghiệm âm tính còn thời hạn 72 giờ.
Tài công điều khiển phương tiện vận tải đường thủy đã khó, tài xế đường bộ càng khó khăn hơn. Nếu không có kết quả xét nghiệm vào địa bàn giao hàng tài xế không được rời khỏi buồng lái, thậm chí có địa phương quy định phải đổi tài xế và phụ lái mới được đưa phương tiện, hàng hóa vào nội thành, nội thị.
“Thu nhập của tài xế được tính chuyến. Giờ thêm chi phí xét nghiệm (khoảng 300.000 đồng/lần), chỉ có giá trị 72 giờ, nhanh thì được 1 cuốc, chậm thì không đủ. Không có thì không thể qua các trạm kiểm soát. Chở hàng đến địa phận rồi buộc phải đổi tài hoặc bắt ở trong buồng lái không cho xuống… thì buộc phải nghỉ thôi chứ làm sao sống nổi?!”. Một tài xế ở TP.Cần Thơ, bức xúc phản ánh.
Các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch trong di chuyển vận tải hàng hóa cần phải được kịp thời nghiên cứu, vận dụng linh hoạt
Do phát sinh nhiều bất cập cản trở di chuyển của tài công, tài xế trong phòng chống dịch không được giải quyết kịp thời đã ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa, làm đứt gãy chuỗi lưu thông trong quy trình sản xuất – cung ứng – tiêu thụ hàng hóa dẫn đến có thời điểm các đô thị thiếu hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả… sốt gíá cục bộ trong khi tại các vùng sản xuất tồn đọng, hư hỏng, thiệt hại cho người sản xuất vì không được thu mua. Đơn cử, hàng trăm tấn nhãn và sữa bò tươi của Nông trường Sông Hậu bị đứt gãy chuỗi thu mua, thiệt hại cho người sản xuất.
Sớm hơn các địa phương khác trong vùng, ngày 19/7, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành công văn số 2895/UBND-KT về việc quản lý chỗ nghỉ của người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa khi vào địa bàn tỉnh để đảm bảo phòng chống dịch CoViD-19 đồng thời đảm bảo sức khỏe cho đối tượng nợpy - Theo tinh thần tiếp thu ý kiến của Bộ GTVT. Đây là văn bản xử lý cho phép các trường hợp lái xe nghỉ lại trên địa bàn tỉnh.
“Thời gian qua đối tượng này gần như “vô thừa nhận”. Nếu họ rời khỏi ca bin thì hầu như không có địa phương nào cho họ địa bàn để nghỉ lại. Vì họ thuộc diện nguy cơ cao. Lái xe mà ngủ trên xe thì lái xe rất kém an toàn. Do đó, Bạc Liêu chia ra 2 nhóm: Nhóm doanh nghiệp trên 10 xe thì cho lập khu riêng để tài xế về ngủ. Nhóm doanh nghiệp có ít xe thì tài xế vô khu tập trung của tỉnh nghỉ, có hàng thì lại đi… Dịch này thì cánh lái xe cũng chịu nhiều thiệt thòi lắm. Lái xe cũng như chiến sỹ chứ chẳng chơi” – Ông Trần Trung Vĩ, chia sẻ.
Phải ưu tiên tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động thuận lợi trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo ông Vĩ, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa cần phải được ưu tiên tiêm vaccine phòng CoViD-19 để họ tự tin duy trì hoạt động thường xuyên trong môi trường làm việc nguy cơ lây nhiễm rất cao. Được biết sắp tới tỉnh Bạc Liêu được Bộ Y tế phân bổ 20.000 liều vaccine, việc ưu tiên cho đối tượng điều khiển phương tiện vận tải hàng hàng hóa cũng sẽ được xem xét.
Sau khi UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn triển khai biện pháp tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa lưu trú tại địa bàn, ngày 22/7 Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên, đã ký ban hành công văn hỏa tốc số 5886/BYT-MT về việc vận chuyển hàng hóa.
Theo đó, cùng với các nội dung nhắc nhở chú trọng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phải miễn phí bộ kít xét nghiệm bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện có Giấy nhận diện phương tiện theo thời hạn do Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
Chỉ đạo Sở Y tế ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ bắt buộc đi cùng trên phương tiện vận tải hàng hoá, đặc biệt là những người hoạt động trên các tuyến vận tải bên trong hoặc ra vào khu vực thực hiện Chỉ thị 16/TTg-CT.
HÙNG PHƯƠNG