Nguyên nhân khiến đại dịch ở Indonesia trở thành thảm họa
Trong những tuần qua, Indonesia - quốc gia có hơn 270 triệu dân thông báo đã ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày và hàng trăm ca tử vong khi biến thể Delta lây lan mạnh mẽ. Mạng xã hội tràn ngập những bài đăng về nỗi đau thương vì mất người thân trong gia đình. Nhiều bệnh viện đang cạn kiệt nguồn cung oxy. Máy xúc đất hoạt động khắp ngày đêm để chôn cất những người đã mất.
Với hơn 2,7 triệu người mắc bệnh và hơn 70.000 người tử vong, giới y tế cảnh báo rằng, Indonesia có thể chưa đạt đến đỉnh dịch. Indonesia cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn từ việc phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội và tỷ lệ tiêm chủng dưới 6%.
Sau khi số ca mắc gia tăng vào đầu tháng 6/2021 khiến nhiều bệnh viện quá tải, Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết, vào đầu tháng 7, nước này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19 được xác nhận sau kỳ nghỉ lễ. Một trong những nguyên nhân gây ra sự bùng phát dịch là do xuất hiện biến thể Delta – được phát hiện tại Ấn Độ lần đầu tiên và đang lan rộng ra gần 100 quốc gia.
Indonesia bắt đầu phong tỏa vào ngày 10/7 sau khi thông báo có hơn 30.000 ca mắc mới mỗi ngày. Chính phủ nước này cho biết đang huy động mọi nguồn lực để đối phó với làn sóng COVID-19 mới, trong đó có việc nhập khẩu oxy từ các nước láng giềng để gia tăng nguồn cung.
Các chuyên gia nhận xét rằng, Indonesia hiện giờ đang phải gánh chịu hậu quả do không áp dụng sớm biện pháp phong tỏa. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Indonesia là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao nhất trên thế giới với 27% số xét nghiệm cho kết quả dương tính. Nhưng con số hiện tại chưa thể diễn tả đẩy đủ bức tranh toàn cảnh. Trên thực tế, số ca mắc có thể còn cao hơn. Một cuộc khảo sát vào cuối tuần qua cho thấy, gần một nửa dân số tại thủ đô Jakarta có thể đã mắc COVID-19, cao gấp 12 lần số liệu được công bố chính thức.
Một rào cản lớn khiến Indonesia khó kiểm soát được sự bùng phát dịch bệnh là những thông tin sai lệch được phát tán tràn lan trên các mạng xã hội. Trong nhiều tháng qua, trên ứng dụng WhatsApp đã lan truyền những tin giả về các phương pháp điều trị COVID-19 không hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tranh cãi về hiệu quả của vaccine trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người dân hoang mang và không muốn tiêm phòng vì cho rằng việc tiêm vaccine có thể khiến họ mắc bệnh nặng hơn hoặc tử vong. Do xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, nhiều người dân tại Indonesia không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, ngay cả khi số ca mắc xung quanh họ gia tăng. Làn sóng tin giả đã làm lu mờ những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Aman B. Pulungan, Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia, cho biết nhiều bậc cha mẹ thường cho rằng con mình không mắc bệnh COVID-19, một phần vì họ không biết rằng trẻ em cũng có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhiều gia đình thực hiện rất ít các biện pháp bảo vệ con cái của họ khỏi virus SARS-CoV-2, ngay cả khi chúng bị mắc bệnh họ cũng nghĩ đó chỉ là cảm cúm thông thường.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Indonesia hiện đang diễn ra theo cách tương tự như làn sóng thứ 2 tại Ấn Độ. Các bệnh viện thiếu bình oxy, còn bệnh nhân phải di chuyển từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để tìm kiếm sự giúp đỡ. Sudirman Said, Tổng thư ký của Hội Chữ thập đỏ Indonesia, cho biết nhiều bệnh nhân đã phải di chuyển hàng giờ để được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế quan trọng.
Tổng thống Joko Widodo cho biết niềm hy vọng chính của Indonesia trong việc ứng phó cuộc khủng hoảng đang gia tăng là vaccine. “Chúng ta cần phải đảm bảo người dân được tiếp cận một cách công bằng và bình đẳng với các loại vaccine. Hiện vẫn còn khoảng cách lớn trong việc tiếp cận vaccine trên cả nước”, Tổng thống Joko Widodo nói.
Đ.L