Nhiều kỷ lục buồn về đại dịch Covid-19
Trong ngày 1/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Indonesia với 24.836 ca. Tiếp đó là Malaysia với 6.988 ca, Philippines với 5.795 ca, Thái Lan với 5.533 ca, Campuchia với 999 ca, Việt Nam với 713 ca, Timor-Leste với 56 ca, Lào với 23 ca, Singapore với 10 ca và Brunei với 1 ca.
Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (504 ca), Philippines (135 ca), Malaysia (84 ca), Thái Lan (57 ca), Campuchia (26 ca) và Timor-Lester (1 ca).
Số ca mắc mới tại Indonesia lên tới gần 24.900
Ngày 1/7, Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất, với 24.836 ca, cao hơn đỉnh cũ 21.807 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó.
Indonesia cũng ghi nhận thêm 504 ca tử vong, cao hơn kỷ lục cũ ngày 30/6 là 467 ca. Tính đến nay, quốc gia này vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với 2.203.108 ca mắc COVID-19 và 58.995 ca tử vong.
Giới chức y tế cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai này do biến thể Delta nguy hiểm, cũng như việc người dân đổ xô từ các thành phố về quê trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Ngày 1/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố các biện pháp khẩn cấp tại đảo Java và Bali nhằm hạn chế biến thể Delta lây lan.Tổng thống Widodo cho biết: “Chính phủ sẽ triển khai mọi nguồn lực nhằm kiềm chế sự lây lan của COVID-19. Quân đội, cảnh sát, bác sĩ, nhân viên công vụ, nhân viên y tế cần làm việc tốt nhất có thể để chống lại đại dịch”. Ông cho hay lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp sẽ được áp dụng từ ngày 3-20/7 với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và thành phố tại Java - hòn đảo tập trung 60% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia, cũng như tại Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng kề đó với hơn 4 triệu dân.
Tuy nhiên, người lao động trong các “lĩnh vực quan trọng” sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp hạn chế mới. Những lĩnh vực được coi là quan trọng gồm năng lượng, y tế, an ninh, hậu cần và vận tải, thực phẩm và đồ uống, cũng như các lĩnh vực kinh doanh bổ sung như cửa hàng tạp hóa, xây dựng và dịch vụ tiện ích.
Cùng ngày 1/7, Indonesia khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu tại một trường trung học công lập tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta.
Số ca mắc mới ở Malaysia chạm mốc kỷ lục
Ngày 1/7, Malaysia ghi nhận 9.988 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 6/6 và là ngày thứ 3 liên tiếp trên mức 6.000 ca sau 5 ngày liên tiếp trên mức 5.000 ca.
Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham cho biết bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước với 2.885 ca. Tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 988 ca và bang Nigeri Sembilan với 692 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 758.967 ca mắc COVID-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Yakoob cho hay, do số ca mắc mới COVID-19 tại Selangor và Kuala Lumpur liên tục ở mức cao, Chính phủ Malaysia có thể sẽ áp dụng Lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại một số khu vực thuộc 2 địa phương này. Ngoài ra, chính phủ còn ra lệnh đóng cửa thêm nhiều nhà máy ở Selangor có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Thái Lan ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận số ca tử vong cao
Ngày 1/7, Thái Lan thông báo số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao kỷ lục ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh đảo du lịch Phuket của nước này bắt đầu đón nhóm du khách nước ngoài miễn cách li đầu tiên.
Trung tâm xử lí tình hình COVID-19 (CCSA) cho biết tổng cộng 57 ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 2.080. Thái Lan cũng thông báo 5.533 ca mắc mới COVID-19, số ca nhiễm trong ngày cao thứ 2 kể từ khi dịch bùng phát.
Cho đến nay, Thái Lan xác nhận 264.834 ca mắc COVID-19, trong đó gần 90% ghi nhận kể từ đầu tháng 4, khi làn sóng thứ 3 bắt đầu tại các câu lạc bộ ban đêm ở thủ đô Bangkok. Kể từ đó, Bangkok là trung tâm của sự gia tăng các ca lây nhiễm mới và hơn 1/3 số ca ghi nhận ngày 1/7 là tại thủ đô.
Ngày 1/7, đảo du lịch nổi tiếng Phuket của Thái Lan bắt đầu miễn cách li bắt buộc đối với du khách nước ngoài đã tiêm chủng như dự án thí điểm mặc dù tình hình dịch trên cả nước chưa có dấu hiệu cải thiện. Khoảng 70% người dân ở Phuket đã tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khhi 56% tiêm liều thứ 2.
Kỷ lục mới về số người chết do COVID-19 ở Nga
Đất nước có diện tích lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 mới do biến thể Delta, trong khi chương trình tiêm chủng gặp khó khăn với những lo ngại về vaccine từ người dân.
Trước đó, số người chết vì COVID-19 ở Nga là 669 ngày 30/6 và 652 ngày 29/6.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết 90% số ca COVID-19 mới ở thủ đô Nga là từ biến thể Delta, biến thể lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ. Ông đã đưa ra thêm một số biện pháp hạn chế để chống lại sự gia tăng nhanh chóng số ca bệnh, bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp cho nghỉ 30% số nhân viên chưa tiêm vaccine và các nhà hàng chỉ được phục vụ cho những người đã tiêm chủng hoặc đã bị mắc bệnh và khỏi trong vòng 6 tháng trước đó.
Đầu tháng 6, ông Sobyanin cũng yêu cầu những người làm trong ngành dịch vụ của thành phố phải tiêm chủng đầy đủ trước giữa tháng 8. Hơn 12 khu vực trên khắp nước Nga cũng đã làm theo Moskva.
Tính đến 1/7, chỉ có 17,4 triệu người trong số khoảng 146 triệu người Nga – tương đương khoảng 12%, được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của Gogov.
Đến nay Nga đã có 135.886 người chết vì COVID-19, con số cao nhất ở châu Âu.
Israel có thể bị cuốn trở lại khủng hoảng dịch bệnh
Bộ Y tế Israel ngày 1/7 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 307 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất trong ba tháng gần đây. Bộ này cho biết con số này có thể còn tăng trong những ngày tới, làm dấy lên mối lo ngại Israel có thể bị cuốn trở lại khủng hoảng dịch bệnh.
Vài tháng qua, Israel đã cho mở cửa trở lại trường học, sự kiện tập trung đông người, hoạt động của doanh nghiệp và dỡ bỏ gần như mọi quy định phòng dịch sau khi chạm ngưỡng 85% người trưởng thành được tiêm vaccine COVID-19. Vì thế, số ca mắc mới tăng trở lại ở Israel có thể sẽ là lời cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia khác trước sự phát tán mạnh của biến chủng Delta (lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ).
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể tại Israel không hẳn là bi quan. Số ca mắc mới tăng, nhưng hiếm có ca tử vong vì COVID-19. Trong hai tuần trở lại đây, Israel chỉ ghi nhận một trường hợp tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2. Đó là nhờ vào kết quả tích cực của tiến dịch tiêm chủng, giúp giảm thiểu tình trạng bệnh nặng ở những người đã tiêm. Với dân số 9,3 triệu người, Israel đã hoàn tất tiêm đủ 2 liều cho 5,1 triệu dân và khoảng 400.000 người khác được tiêm một liều.
Tuần trước, chính phủ Israel đã phải hủy kế hoạch mở cửa du lịch cho du khách đã tiêm chủng vaccine do lo ngại biến thể Delta. Trước đó, Israel dự tính sẽ mở cửa vào ngày 1/7, nhưng do số ca nhiễm tăng trong 10 ngày gần đây, chính quyền đẩy lui thời hạn thực hiện vào ngày 1/8 tới.
Ca nhiễm ở châu Âu tăng sau 10 tuần lắng dịu
Người đứng đầu văn phòng WHO khu vực châu Âu cho biết, sự sụt giảm số ca nhiễm Covid-19 trong 10 tuần qua đã kết thúc và một làn sóng lây nhiễm mới đang chuẩn bị ập tới nếu mọi người không giữ kỷ luật.
Tiến sĩ Hans Kluge ngày 1/7 cho hay, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng 10% trong tuần qua do sự gia tăng về đi lại, tụ tập và nới lỏng các hạn chế xã hội. Ông cảnh báo rằng biến thể Delta dễ lây nhiễm có thể thống trị ở châu Âu vào tháng 8. Tiến sĩ này cho biết, những người muốn du lịch và tụ tập trong mùa hè này nên tiếp tục đeo khẩu trang.
Đ.Linh