Nhiều nước chuyển sang “sống chung với Covid-19”
Mỹ đang khuyến khích người dân trở lại nhịp sống thường nhật và chuyển sang trạng thái bình thường mới với ga tàu điện ngầm, văn phòng, nhà hàng, sân bay một lần nữa nhộn nhịp. Câu thần chú càng ngày càng giống nhau: Chúng ta phải học cách sống chung với virus.
Tại châu Âu, Anh dỡ bỏ hầu hết các hạn chế vì Covid-19. Đức đang cho phép những người đã tiêm phòng được đi du lịch mà không cần kiểm tra. Italy hầu như không còn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, và các trung tâm mua sắm vẫn mở cửa.
Từng là tâm dịch của châu Âu khi Covid-19 bắt đầu tấn công phương Tây năm ngoái, Italy giờ dần chuyển sang cuộc sống bình thường mới giữa đại dịch.
Với tỷ lệ nhập viện thấp, đặc biệt là khu chăm sóc đặc biệt và tỷ lệ tiêm chủng tăng, Bộ Y tế Italy đã sửa đổi cách sử dụng thang màu cảnh báo dịch dựa trên tình hình Covid-19 của từng khu vực.
Trong hơn một năm qua, Bộ Y tế Italy quy định thang màu gồm trắng, vàng, cam và đỏ theo cấp độ khẩn cấp dựa trên số ca Covid-19 của vùng. Nhưng theo chỉ thị mới của Thủ tướng Draghi hôm 22/7, màu sắc cảnh báo của từng vùng được điều chỉnh hàng tuần, dựa trên tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ nhập viện trên mỗi 100.000 dân. Một khu vực được coi là vùng đỏ nếu tỷ lệ nhiễm hàng tuần vượt 150 ca/100.000 dân, tỷ lệ bệnh nhân phải điều trị đặc biệt chạm ngưỡng 30% và tỷ lệ nhập viện chung là 40%.
Các thống đốc ủng hộ mạnh mẽ những thay đổi mới nhất về hệ thống thang màu cảnh báo, vì chúng không chỉ dựa vào tổng ca nhiễm hoặc nhập viện, mà còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đại dịch trong vùng.
Ngoài thẻ xanh, thang màu, chính phủ Italy còn đưa ra một số quy định khác để phòng ngừa dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Nếu người dân không thể duy trì khoảng cách an toàn khi ở ngoài trời, việc đeo khẩu trang là bắt buộc.
Các cơ quan văn phòng ở Italy vẫn cho phép nhân viên được tùy chọn làm việc từ xa, đặc biệt là những người có nguy cơ nhiễm cao. Với những nhân viên làm việc tại văn phòng, họ thường chia ca để giảm lượng người xuất hiện cùng lúc trong một không gian làm việc.
Tại Australia, một số nhà lập pháp cho rằng, đất nước đã đến “ngã ba đường”. Họ cần quyết định chọn giữa việc duy trì các hạn chế về lâu dài hay học cách sống chung với bệnh dịch. Họ nhấn mạnh, nước này học theo phần lớn thế giới và từ bỏ cách tiếp cận “zero-Covid”.
Tại châu Á, Singapore đang lấy Israel làm hình mẫu. Thay vì tập trung ngăn chặn số ca nhiễm mới gia tăng, Israel hướng nguồn lực vào các ca bệnh chuyển biến nặng, một chiến thuật mà các quan chức gọi là “áp chế mềm”. Israel cũng đang đối mặt với số ca mắc mới tăng mạnh, từ 1 con số (một tháng trước đây) lên đến hàng trăm trường hợp/ngày. Nước này gần đây yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại.
Theo các quan chức Singapore, số ca nhiễm có thể tiếp tục tăng lên. Sự bùng phát dịch có thể trì hoãn nhưng không xoá bỏ được kế hoạch mở cửa theo giai đoạn. “Bạn cần mang đến cho mọi người cảm giác về sự tiến bộ, thay vì chờ đợi một ngày trọng đại khi mọi thứ mở tung và sau đó bạn trở nên điên cuồng”, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói.
Thái Lan cũng đang trong quá trình chuẩn bị "sống chung với Covid-19", với các kế hoạch nới một số hạn chế và mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm phòng.
Theo Opas Karnkawinpong, Tổng giám đốc của Cục Kiểm soát Dịch bệnh, ngày 30/8 Ủy ban Bệnh truyền nhiễm Quốc gia đã thông qua việc thay đổi chiến lược, chuyển sang giai đoạn "học cách sống chung với Covid-19". Trọng tâm trong tương lai là ngăn số ca nhiễm vượt quá khả năng chống chọi của hệ thống y tế. Biện pháp chính là tiêm chủng bao phủ cho các nhóm dễ tổn thương, nhanh chóng truy vết ca nhiễm, với giả định rằng tất cả người dân đều có thể mắc và truyền bệnh, ông Karnkawinpong nói.
Hiện các tỉnh thành, nơi sinh sống của 40% dân số, tạo ra hơn ba phần tư tổng sản lượng quốc nội (GDP), đang bị hạn chế nghiêm ngặt. Chính phủ đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, hạn chế đi lại giữa các tỉnh, chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà từ 4 giờ đến 21 giờ.
"Việc thận trọng mở cửa trở lại sớm hơn chúng tôi dự kiến. Nếu thành công, các hoạt động kinh tế sẽ nhanh chóng trở lại và thúc đẩy GDP trong năm nay", nhà kinh tế trưởng Burin Adulwattana tại Ngân hàng Bangkok Pcl nhận định. Sự thay đổi chiến lược của nước này phản ánh bài phát biểu hồi tháng 6 của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha. Khi ấy, ông cho biết phần còn lại của đất nước sẽ được mở cửa trở lại vào tháng 10 để "giảm bớt tổn thất cho người mất thu nhập". Ông gọi đây là "rủi ro được tính toán" và yêu cầu người dân "sẵn sàng sống chung với một số rủi ro".
Tuần trước, chính phủ nêu kế hoạch cấp "Thai Covid Pass" (hộ chiếu Covid-19 Thái Lan) cho người đã tiêm chủng. Đây sẽ là giấy thông hành tại một số địa điểm như nhà hàng.
Dù vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới, nhiều khu vực của Indonesia, như thành phố Solo ở Trung Java và Malang ở Đông Java, nới lệnh hạn chế kể từ ngày 31/8. Tuần trước, giới chức đã làm điều này với Greater Jakarta, Bandung, Surabaya và một số khu vực khác.
Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và các Vấn đề Đầu tư, cho biết số ca nhiễm toàn quốc đã giảm 90,4% kể từ 15/7. Tình hình sáng sủa hơn ở các đảo Java và Bali đông dân. Lượng người mắc mới giảm 94%."Tình hình chống Covid-19 khởi sắc, các quy định y tế được triển khai và người dân đang dùng ứng dụng truy vết PeduliLindungi, cộng đồng đã điều chỉnh hoạt động của mình", ông phát biểu trong cuộc họp trực tuyến ngày 30/8. Ứng dụng PeduliLindungi hiển thị chứng chỉ tiêm chủng và tình hình dịch bệnh ở khu vực xung quanh người dùng. Đây là một phần trong chiến dịch nới giãn cách. Tất cả công ty và nhà máy được hoạt động nếu chia ca nhân viên, báo cáo qua ứng dụng PeduliLindungi và thực hiện một số biện pháp khác.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về virus. Họ cho rằng Covid-19 không thể được coi như cúm, bởi mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều. Nhưng cũng chưa chắc chắn được thời gian vaccine có hiệu lực duy trì kháng thể và có tác dụng với các biến thể hay không.
Linh Đức